MỎ “VÀNG” TRONG TRƯỜNG LÀNG ĐĂK GLONG
Lượt xem: Lượt tải:
Thông tin | Nội dung |
---|---|
Tên tài nguyên | MỎ “VÀNG” TRONG TRƯỜNG LÀNG ĐĂK GLONG |
Loại tài nguyên | Bài viết Giáo viên, |
Tên tập tin | |
Loại tập tin | application/vnd.openxmlformats-officedocument.wordprocessingml.document |
Dung lượng | 3.17 MB |
Ngày chia sẻ | 25/09/2019 |
Lượt xem | 2293 |
Lượt tải | 4 |
Xem tài liệu | Xem Online |
Tải về |
Khi nói đến từ “mỏ”, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc khai thác khoáng sản quý hiếm dưới lòng đất như mỏ vàng, mỏ sắt, mỏ đá quý. Hay như Nguyễn Thiếp Ngọc từng nói “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”. Để tìm ra và làm được những thỏi vàng thật phải mất một quá trình lao động, khai thác và chế tác thì vàng mới trở nên có giá trị như đúng nghĩa của nó. Vàng vừa là trang sức, vừa là công sức lao động, vừa là tỷ giá định mức của đồng tiền chung. Quá trình dạy học và ôn thi học sinh giỏi ở các cấp học cũng có ý nghĩa tương tự.
Nếu như ở các trường trung tâm, các trường chuyên của các tỉnh và thành phố lớn thì công việc dạy học và ôn thi học sinh giỏi bao giờ cũng thuận tiện hơn rất nhiều. Đối với một trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như trường THPT Đăk Glong thì công việc dạy học và ôn thi học sinh giỏi sẽ gặp nhiều hạn chế. Cứ vào đầu mỗi năm học, tập thể giáo viên và các em học sinh lại háo hức, nô nức đến trường với niềm hân hoan phấn khởi, với niềm tin, quyết tâm và hi vọng sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt. Hơn bao giờ hết, chúng ta đều tự xác định vị trí của mình trong từng môi trường cụ thể. Một trường thuộc huyện nghèo như ĐăkGlong thì vấn đề dạy học luôn trở thành vấn đề trăn trở. Vì điều kiện cơ sở vật chất, kinh tế khó khăn, đường sá đi lại cách trở, mặt bằng trình độ dân trí còn thấp, đời sống của nhân dân còn nhiều thiếu thốn. Tâm lý trường “làng” luôn ẩn hiện trong mỗi thầy cô giáo và các em học sinh qua nhiều thế hệ, việc dạy học và động viên học sinh vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong học tập đã là một vấn đề nan giải, chưa nói đến việc ôn thi học sinh giỏi các cấp. Thế nhưng trong chặng đường 10 năm hình thành và phát triển, những năm gần đây được sự quan tâm động viên của ngành, cấp trên, chính quyền địa phương, Hội phụ huynh học sinh và Ban giám hiệu cũng như tập thể Hội đồng đồng sư phạm nhà trường, đội ngũ giáo viên và các em học sinh đã gặt hái được rất nhiều thành công.
Năm học 2016-2017, sau khi nhận được kế hoạch năm học của Sở, kế hoạch ôn thi học sinh đội tuyển Olympic truyền thống cấp tỉnh lần thứ IV tại trường THPT KRông Nô, được sự giúp đỡ, chỉ bảo và ôn thi nhiệt tình, trách nhiệm cao từ giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn, em Nguyễn Thị Ngọc Tuyết lớp 11A đã giành được Huy chương bạc môn Ngữ văn. Điều đáng bất ngờ và khâm phục ở em chính là ý chí vươn lên trong học tập. Em không được may mắn như những bạn cùng lớp ở chỗ bố mẹ đã li dị và mỗi người có một cuộc sống riêng. Một mình người mẹ tần tảo nuôi hai chị em ăn học.
Do điều kiện đường sá đi lại xa xôi, cách trở nên em phải thuê trọ cách nhà trên 10km để tiện cho việc học tập.
Giấy khen và Huy chương của em Nguyễn thị Ngọc Tuyết (học sinh lớp 11A)
Em Ngọc Tuyết cùng thầy chủ nhiệm trong lễ tổng kết năm học 2016-2017.
Câu chuyện về em Chi cũng tương tự và là một tấm gương sáng để các bạn cùng trang lứa noi theo. Chi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Bố em quê gốc Bắc Giang, mẹ em là người Quảng Trị – vùng đất đã được tôi luyện qua khói lửa của chiến tranh. Cuộc sống gia đình không mấy hạnh phúc khi bố mẹ quyết định chia li. Em ở cùng mẹ và em nhỏ. Từ xã nghèo vùng xa Đăk Plao cách trung tâm huyện 15km, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em vẫn luôn nuôi ước mơ được bước vào cổng trường cấp ba để tiếp tục con đường đèn sách với hi vọng cháy bỏng sau này trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Năm học 2017-2018, là năm học đầu tiên Chi bước vào cổng trường THPT như em hằng mong ước. Sau một năm học, với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, cùng với sự quan tâm của giáo viên chủ nhiệm và đặc biệt là thầy giáo phụ trách môn Ngữ văn em đã giành được kết quả học tập rất tốt. Trong kỳ thi Olympic truyền thống cấp tỉnh 23/3 em giành được Huy chương đồng môn Ngữ văn. Nhìn mặt bằng chung với học sinh trên toàn tỉnh thì chưa có gì để để so sánh nhưng với em Chi, gia đình, nhà trường và giáo viên bộ môn thì đây là một nguồn động viên tinh thần quý giá.
Huy chương đồng của em Nguyễn Đặng Kim Chi lớp 10C, năm học 2017-2018
Năm học 2018-2019, là năm học mà thầy và trò nhà trường đã gặt hái được nhiều thành công nhất. Đó là năm thực sự của những phiến vàng, phiến bạc nơi ngôi trường “làng” ĐăkGlong. Chúng ta đều biết rằng, việc thành lập và ôn thi đội tuyển học sinh giỏi hàng năm luôn là mục tiêu cao nhất và cũng khó khăn nhất. Ai cũng nhận thức được khi tham gia các kỳ thi như Olympic cấp tỉnh giống như một sân chơi trí tuệ, là cơ hội để học sinh các trường trên toàn tỉnh có dịp giao lưu, học hỏi và thể hiện năng khiếu, năng lực học tập của bản thân. Dạy học ở một trường vùng sâu đã khó, ôn thi học sinh giỏi Olympic đã khó và vấn đề ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh và khu vực còn khó hơn. Câu hỏi đặt ra ở đây chính là nguồn học sinh – nhân tố quyết định thành công! Được sự động viên, quan tâm, khích lệ từ phía Ban giám hiệu nhà trường và Tổ chuyên môn, đội ngũ giáo viên đã tìm kiếm, phát hiện và thành lập đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh. Sau thời gian ôn luyện, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu các em đã đạt được những thành tích rất đáng khâm phục và khen ngợi.
Tấm huy chương vàng danh giá đầu tiên thuộc về em Sử Thị Mỹ Uyên, học sinh lớp 10E. Điều đặc biệt là ngày còn học cấp hai, Uyên chưa lần nào đăng ký dự thi học sinh giỏi môn Văn. Sau khi giành huy chường vàng Olympic cấp tỉnh, em đã tham gia thi vượt cấp học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 môn Ngữ văn, kết quả được giải khuyến khích. Khi mới vào trường cấp ba, với biết bao bỡ ngỡ, lo lắng với môi trường mới, nhưng được sự định hướng, ôn thi miệt mài từ cô Hồ Thị Tuyết là giáo chủ nhiệm đồng thời là giáo viên bộ môn Ngữ văn đã giúp em gặt hái được thành công này.
Em Sử Thị Mỹ Uyên đạt HCV Olympic và học sinh giỏi tỉnh năm học 2018-2019
Tấm huy chương vàng thứ hai là của em Lường Thị Thảo Nhung học sinh lớp 10E.
Một điều đáng khen ngợi và đặc biệt hơn là cả hai em Uyên và Nhung còn tham gia và giành được hai tấm Huy chương đồng tại kỳ thi Olympic lần thứ V khu vực phía nam tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.
Giấy khen và chứng nhận của em Lường Thị Thảo Nhung và Sử Thị Mỹ Uyên trong kỳ thi Olympic khu vực phía nam lần thứ V tại TP Hồ Chí Minh, năm học 2018-2019.
Giấy khen và chứng nhận của em Sử Thị Mỹ Uyên trong kỳ thi Olympic khu vực phía nam lần thứ V tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.
So với những đàn em đi sau, Phạm Thu Hường mặc dù không giành được huy chương vàng như mong muốn, nhưng với sự hiện diện của em trong suốt ba năm học tại trường THPT ĐăkGlong, gắn liền với ba kỳ thi học sinh giỏi em đều để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng thầy cô và bạn bè. Năm học 2015-2016 em đạt được huy chương đồng môn Ngữ văn Olympic cấp tỉnh lần thứ III; năm học 2016-2017 em đoạt huy chương bạc môn Ngữ văn Olympic cấp tỉnh lần thứ IV. Lên lớp 12, chương trình học tập và ôn thi dày đặc, áp lực cuối cấp cũng như mục tiêu vào đại học càng khiến cho quỹ thời gian trở nên hạn hẹp hơn bao giờ hết. Nhưng được sự động viên, hướng dẫn của giáo viên bộ môn, cộng với sự cần cù và tố chất thông minh của mình, em đã quyết tâm tham gia kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 năm học 2018-2019. Kết quả đã không phụ lòng mong đợi của bản thân, gia đình và thầy cô, Hường đã đạt giải khuyến khích môn Ngữ văn cấp tỉnh lớp 12. Trong thời gian học tập, ôn thi em luôn là học sinh chăm ngoan học giỏi đều các môn, thường xuyên trả lời, thảo luận và xây dựng bài ở trên lớp. Năm học nào cũng đạt được thành tích, nhưng mỗi lần trao đổi với thầy cô về kết quả cũng như nội dung dạy học, Hường vẫn luôn thể hiện sự khiêm tốn: “Em cảm thấy tiếc vì chưa làm bài hết mình”.
Huy chương đồng, huy chương bạc Olympic và giấy chứng nhận học sinh gỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh của em Phạm Thu Hường học sinh lớp 12A, năm học 2018-2019.
Từ trái qua: em Uyên, Hường, Chi cùng thầy Trần Vĩnh Yên – bộ môn Ngữ văn trong đợt dự thi đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh, năm học 2018-2019.
Ba em: Nguyễn Thu Uyên, Phạm Thu Hường và Nguyễn Đặng Kim Chi trong các buổi ôn thi học sinh giỏi tại trường, cả ba em đều giành được huy chương tại các kỳ thi Olympic cấp tỉnh.
Phía sau những tấm huy chương gianh giá, phía sau những phiến vàng, phiến bạc, những thành tích vang dội ấy, không thể không kể đến sự nỗ lực, phấn đấu, hi sinh thầm lặng của những người thầy người cô đã miệt mài đồng hành cùng các em.Trao đổi về kinh nghiệm, phương pháp và kỹ năng dạy học cũng như ôn thi học sinh giỏi hàng năm, cô Hồ Thị Tuyết giáo viên bộ môn Ngữ văn đã chia sẻ như sau:
Đối với giáo viên, ôn thi học sinh giỏi là một quá trình khổ luyện của cả thầy và trò; bản thân giáo viên phải luôn tâm huyết, tìm nội dung chủ đề phù hợp để ôn thi, tìm tài liệu theo các chuyên đề đã học. Bên cạnh đó, giáo viên phải đào sâu kiến thức về lý luận văn học trong tài liệu thời đại học để bổ sung; thường xuyên ra bài tập theo yêu cầu cụ thể để học sinh luyện tập. Việc tìm nguồn tài liệu mới từ bạn đồng nghiệp và thầy cô giáo cũ cũng góp phần quan trong cho kế hoạch ôn thi.
Về phí học sinh, luôn được khuyến khích có các khám phá, cảm thụ mới mẻ; để cho các em tự bộc lộ cá tính khi trao đổi các vấn đề trong tài liệu; thời gian đầu ôn khoảng hai đến ba buổi trên tuần, khi cận ngày thi thì học tập tranh thủ. Cô trò cùng học, cùng trao đổi và thảo luận để tìm ra phương pháp tối ưu nhất.
Thành công nào cũng có hai mặt của nó, chúng ta không nên quá tự hào và ngủ yên sau chiến thắng. Từ những kết quả khiêm tốn trên đây sẽ là nguồn động viên, khích lệ tinh thần tự học và sáng tạo trong mỗi thầy cô giáo và từng cá nhân học sinh. Chúng ta tin tưởng và hi vọng về một tương lai tươi sáng của ngôi trường “làng” phía tây nam của tỉnh nhà.
ĐăkGlong, ngày 9/9/2019
Tác giả: Trần Vĩnh Yên – giáo viên Ngữ văn, trường THPT ĐăkGlong.