Ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Lượt xem:

Đọc bài viết

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG

 NHÀ GIÁO TRONG SỰ NGHIỆP

ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM

 

tre-mam-non-02

Các thầy cô giáo thân mến!

Hàng năm, cũng độ này, mỗi nhà giáo chúng ta, ai ai cũng tràn đầy cảm xúc trong niềm tự hào về nghề nghiệp – nghề dạy học cao quý. Hôm nay, kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức gặp mặt các Nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho gần 12 ngàn nhà giáo toàn tỉnh, để ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành, tiếp tục phát huy những truyền thống ấy, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực nhà giáo để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân, thực hiện xuất sắc sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. Thay mặt Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Tôi xin kính chúc Quý vị Đại biểu, các thầy cô giáo mạnh khỏe và hạnh phúc.

 

Kính thưa các Thầy giáo, Cô giáo!

Hơn 10 năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Đăk Nông phát triển mạnh, đã đạt được những thành tích quan trọng: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp học từ Mầm non đến Trung học phổ thông được mở rộng và phát triển; Chất lượng giáo dục, hiệu quả giáo dục tiếp tục có những chuyển biến rõ nét và toàn diện ở các cấp học; Tỉnh Đăk Nông đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi đang được triển khai tích cực; Cơ sở vật chất trường, lớp được chú trọng đầu tư tăng cường theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa; Công tác lãnh đạo, quản lý giáo dục có nhiều đổi mới; Đội ngũ nhà giáo tăng cường về số lượng, chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; Hoạt động xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, nhân dân tin tưởng ở nhà trường, tích cực tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục. Đó là minh chứng sinh động, nét son tươi sáng của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo tỉnh Đăk Nông đóng góp tô đẹp thêm truyền thống Nhà giáo Việt Nam.

Truyền thống Nhà giáo Việt Nam giữ một vị trí rất quan trọng trong nền văn hiến nước ta. Bởi lẽ, lịch sử giáo dục Việt Nam gắn liền với lịch sử 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các thế hệ nhà giáo đã dầy công vun đắp nên truyền thống vẻ vang: Nhà giáo chân chính Việt Nam giàu lòng nhân ái, vị tha,luôn gắn bó và liên hệ mật thiết với nhân dân, là người yêu nước, chiến sỹ cách mạng kiên cường; Nhà giáo chân chính Việt Nam luôn có cuộc sống giản dị, trong sáng, mẫu mực, không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, luôn cần cù, sáng tạo trong lao động dạy học. Thời xưa, tiêu biểu cho những tấm gương nhà giáo có nhân cách khẳng khái là các thầy: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Đắc Bằng, Cao Bá Quát, Võ Trường Toản… Và tiêu biểu cho những tấm gương có tinh thần yêu nước nồng nàn là các nhà giáo: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Nghị, Tống Duy Tân, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Quyền, Lương Văn Can, Nguyễn Văn Lạc, Phan Bội Châu… Thời nay, đất nước có nhiều nhà giáo là chiến sỹ cách mạng kiên cường, tiêu biểu như thầy Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tô Hiệu, Ngô Gia Tự… Nhiều nhà giáo luôn cần cù, sáng tạo trong lao động dạy học như thầy: Nguyễn Lân, Đinh Xuân Lâm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Thúc Hào, Hoàng Minh Thảo, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Đặng Thai Mai…và hàng vạn, hàng vạn nhà giáo gắn bó và cống hiến cả cuộc đời nơi biên cương, vùng sâu vùng xa của Tổ quốc.

Chính vì vậy, lúc sinh thời, Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy – những người mở trí khai tâm cho con người. Bác nói: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất dù là tên tuổi không được đăng trên báo, không được hưởng huân chương, những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”.

 

Các thầy cô giáo thân mến!

Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, việc chuẩn bị nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH, là sự đầu tư vừa cơ bản, vừa lâu dài, vừa cấp bách. Trước những đòi hỏi đó, Hội nghị lần thứ 8, ngày 04/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Sứ mệnh, nhiệm vụ của ngành giáo dục hơn lúc nào hết, rất nặng nề và nhà giáo, hơn ai hết, hiểu rõ mình cần phải tạo dựng những phẩm chất và năng lực để tự khẳng định nhằm cống nhiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc nói chung, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói riêng.

Trước đây, chúng ta chỉ quan niệm rằng, thầy giáo phải là người có vốn hiểu biết rộng, nên thầy phải là người chịu khó đọc, tích luỹ tri thức. Ngày nay, yêu cầu đó chẳng những không giảm mà còn tăng lên. Song trong giai đoạn hiện nay và tương lai, phương pháp giáo dục, phương pháp giảng dạy có nhiều đổi thay, từ chỗ lấy người dạy là trung tâm chuyển sang lấy người học làm trung tâm của quá trình dạy – học. Phương pháp này đòi hỏi người thầy không chỉ có kiến thức về mọi lĩnh vực, đặc biệt về lĩnh vực mình đảm trách mà còn phải có phương pháp tổ chức quá trình học của học sinh. Người thầy phải trở thành người đạo diễn, kích thích hoạt động cho học sinh, là trọng tài khoa học kết luận vấn đề do học sinh trình bày. Phải hướng dẫn cho họ cách tự học, tự tìm kiếm kiến thức bằng suy nghĩ, hành động. Dưới sự tổ chức, hướng dẫn của người thầy, học sinh sẽ tự tìm cách chiếm lĩnh tri thức khoa học, tự giác rèn luyện, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Qua phương pháp này, học sinh không chỉ tiếp thu tri thức mới mà còn trau dồi được cách phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề, phương pháp khám phá chân lý… và đó chính là cơ sở để trau dồi, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong cuộc sống của họ sau này. Muốn làm được việc ấy, người thầy cần phải đẩy mạnh việc tự học và nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, xem nghiên cứu khoa học là một phương thức để phát triển, tích luỹ kiến thức lý luận, kỹ năng sư phạm cho chính mình.

Hồ Chí Minh đã xem việc trồng người là sự nghiệp trăm năm. Trồng cây đã khó, trồng người còn khó hơn. Vì lẽ đó, nhà giáo cần phải thường xuyên trau dồi không chỉ trình độ chuyên môn mà còn cả về đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong và cái tâm trong sáng của mình. Trong giai đoạn mới, chữ tâm và chữ đạo của nhà giáo cần phải được gìn giữ, phát huy, trau dồi và xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn trước những biến động to lớn của nền kinh tế thị trường. Hơn thế nữa, trong sự hối hả của nhịp sống, những tác động của nền kinh tế thị trường và biến động chính trị từ bên ngoài ngày càng đa chiều phức tạp, việc giữ gìn, rèn dũa chữ đạo, nâng cao bản lĩnh chính trị và thực hành chữ đạo lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, người thầy phải có đủ sức mạnh của ý chí, bản lĩnh, tự tin và lòng nhiệt thành cách mạng để tiếp tục vượt qua những khó khăn hiện tại, có lòng can đảm để chống lại cái xấu, cái tiêu cực trong ngành, trong xã hội. Mặt khác, để người thầy giữ được chữ đạo, thì phải thường xuyên trau dồi chữ tâm, có tâm mới giữ được đạo. Bởi lẽ, học trò học thầy là học cái cốt cách, lối sống và những phẩm chất cao đẹp của thầy. Đối với mỗi người chúng ta, sẽ thật hạnh phúc và tự hào nếu trong cuộc đời may mắn có được người thầy tài cao đức cả dạy dỗ, chỉ bảo chúng ta nên người, để suốt cuộc đời luôn nghĩ về thầy với lòng biết ơn, tôn kính. Cách học nhanh nhất của người học là học từ bản thân thầy, từ tấm gương của thầy – học trò là hình ảnh của thầy. Đây là vấn đề, mà mỗi nhà quản lý, mỗi nhà giáo chúng ta cần suy nghĩ kỹ khi tổ chức triển khai Nghị quyết 29.

 

Các thầy cô giáo thân mến!

Dù xã hội có nhiều biến động, Nhà giáo vẫn là những người được tôn vinh, kính trọng, nghề dạy học vẫn là nghề cao quý trong những nghề cao quý. Người xưa nói “giáo bất nghiêm, sư chi đọa” – dạy không nghiêm là do thầy lười nhác, nên để xứng đáng vị trí tôn vinh trong lòng nhân dân, thiết nghĩ, nhà giáo chúng ta phải làm tốt vai trò, trách nhiệm và lương tâm nghề dạy học. Trước hết, chúng ta phải luôn luôn tìm tòi, sáng tạo không ngừng để tiếp nối một cách xứng đáng thế hệ những người đi trước, không ngừng rèn luyện, hoàn thành tốt vai trò thiêng liêng đối với xã hội. Đồng thời đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, phải năng động, sáng tạo, linh hoạt, có phương pháp làm việc khoa học, có ý chí vượt khó và đặc biệt phải có tâm huyết với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Người thầy không nên tự bằng lòng với những kiến thức đã có mà phải nâng cao, vươn xa hơn về nhận thức, tiếp cận tốt hơn với phương pháp giảng dạy tích cực nhằm tạo ra những sản phẩm tốt đáp ứng yêu cầu của xã hội, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, CNH, HĐH đất nước. Bên cạnh sự biết ơn và lòng tôn kính đối với người thầy, còn là sự yêu cầu, đòi hỏi cao của học trò và xã hội đối với những Nhà giáo, hay nói cách khác, chính là nghĩa vụ, là bổn phận của người thầy đối với học trò và xã hội.

Với tư cách là những người thầy hôm nay, ôn lại truyền thống Nhà giáo Việt Nam để giúp mỗi người chúng ta tăng cường lòng thiết tha yêu nghề dạy học, thực hiện đúng lời căn dặn của Bác Hồ đối với Nhà giáo: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình, thật thà yêu trường mình – Có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sảnNgười thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất… Những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Nguyễn Văn Hòa – PGĐ Sở Giáo dục và Đào tạo