Nghề cao quý

Lượt xem:

Đọc bài viết

 
Tri ân thầy cô
Tri ân thầy cô

(GD&TĐ) – Một năm có bốn mùa, mỗi mùa có những hương vị, những cung bậc cảm xúc và mỗi người chúng ta đều có những ước ao, những niềm mong đợi riêng.

Tháng 11 của một năm là mốc thời gian đặc biệt quan trọng trong mỗi thầy cô giáo, những người làm công tác giáo dục. Mốc thời gian mà mỗi người học sinh phải phấn đấu hết mình trong học tập để đạt những thành tích xuất sắc, những đoá hoa điểm mười tươi thắm dâng lên thầy cô kính yêu.

Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày mà tất cả đều hướng về người thầy với niềm tôn kính mến thương.

Lúc sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý”. Tại sao lại nói nghề giáo là nghề cao quý? Tại sao chỉ nghề giáo là nghề cao quý? Thật ra, nghề nào cũng là nghề, nghề nào cũng phải có trách nhiệm, cũng cao quý cả.

Nhưng nghề giáo lại đặc biệt, đặc biệt ở chỗ không chỉ mang lại cho chúng ta tri thức mà cả vốn sống, cả nhân cách nữa! Giáo dục một con người không chỉ là trang bị cho họ một kiến thức tốt, vững vàng mà phải làm cho con người đó có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, trang bị cho họ những kỹ năng, kỹ xảo cần thiết trong cuộc sống.

Nói theo cách hiện nay là “giáo dục toàn diện”. Cái cao quý còn được thể hiện ở phẩm chất, tài năng, năng lực của người thầy. Ngoài ra, người thầy cần phải là một tấm gương về đạo đức, lối sống để học sinh noi theo. Nghề cao quý đã đi vào ý thức của biết bao thế hệ người Việt, đặc biệt là những người mang trọng trách lớn lao, là những người miệt mài với bảng đen, phấn trắng.

Không biết ngẫu nhiên hay tất nhiên mà nghề giáo được xem là nghề tạo ra những nghề khác trong xã hội. Nói đơn giản hơn là không có người thầy thì sẽ không có những nghề khác trong xã hội. Bởi dù chúng ta là ai, chúng ta đang làm việc gì, thì cũng từng được ngồi dưới ghế nhà trường, đã nhận được sự truyền đạt dạy dỗ của thầy cô.

Có con đường nào đến thành công mà không qua những khổ công rèn luyện, phải trải biết bao gian lao, vất vả…trong những khó nhọc, chông gai đó, chính người thầy đã tiếp bước, đã thắp và giữ ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa tri thức. Người thầy, với vai trò định hướng đã làm tròn trách nhiệm đưa từng học sinh qua sông bằng chính chiếc đò tri thức. Để từ đó, mỗi chúng ta phải vươn ra biển lớn bằng sức lực, bằng trí tuệ và bằng lời bảo ban của thầy cô.

Nghề giáo đã mang trong mình những trọng trách lớn lao theo năm tháng. Người thầy vẫn được tôn kính. Dẫu có đổi thay thì hình ảnh người thầy xưa và nay vẫn vậy, vẫn đức độ và tài năng.

Tôn sư trọng đạo là truyền thống ngàn đời của dân tộc, trải qua bao nhiêu thăng trầm, bao biến cố của thời gian, bối cảnh lịch sử nhưng truyền thống đó vẫn mãi trường tồn. Người thầy phải hội đủ cả tâm lẫn tầm.

Tâm là lương tâm với nghề nghiệp, cái tâm đối với đồng nghiệp, là trách nhiệm với học sinh. Tầm là tài năng, phải có sự am hiểu rộng sâu về chuyên môn, phải nắm vững tâm lý người học, phải là chỗ dựa vững chắc cho người học.

Người thầy phải vượt qua mọi khó khăn về vật chất để làm tốt công việc của mình.

Trong cuộc sống này, điều quan trọng nhất là làm sao để tất cả mọi người đều được hạnh phúc và nghề giáo đã mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng ta.

Theo Bùi Hoàng Nam