ĐĂK GLONG SAU 5 NĂM THÀNH LẬP
Lượt xem:
Dù sinh sống và công tác ở nơi đây được gần 5 năm song tôi không thể quên ấn tượng lần đầu tôi đến và làm việc nơi đây.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một vùng quê nghèo xứ nghệ với gió lào và cát trắng mênh mông. Những năm tháng cơ cực của tuổi thơ đã hun đúc trong tôi nghị lực vượt khó, phải học tập để thoát nghèo, để thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Rồi, cổng trường đại học cũng mở ra! Sau 4 năm học, lúc chuẩn bị ra trường, tôi tìm đến huyện Đăk Glong vào cuối mùa mưa, vì nơi đó có anh trai tôi sống, có vợ chồng người bạn thân thời sinh viên, và hơn thế, nơi đây huyện mới thành lập nên cơ hội xin việc nhiều hơn.
Dù sống 4 năm trên mảnh đất Tây Nguyên mộng mơ – Đà Lạt nhưng tôi không thể tưởng tượng nổi mãnh đất này lại nghèo nàn và thưa thớt dân cư đến vậy!
Tôi và hai người bạn nữa đi hai xe máy nên cơ hội thăm thú nhiều nơi thật rõ. Dọc đường Đinh Trang Thượng của Di Linh đã thấy đồi trơ, núi trọc, đất trắng bạc màu, đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác hai bên đường. Một cảm giác buồn man mác hiện lên.
Qua cầu Kinh Đức – lúc ấy tôi còn không biết tên – cây cầu có mấy tấm ván rơi ra rộng hoác như răng ông lão 80, mà dòng nước dưới chân cầu thì cuộn xoáy, tế sồng sộc như ai bóp chẹt, va chạm vào những tảng đá và hai bên bờ sông. Tôi thấy ớn lạnh cả sống lưng rồi từ từ, nhắm tịt mắt để nhanh chóng vụt qua.
Qua một đoạn nữa, tôi thật ngạc nhiên khi ở giữa con đường đất đỏ ba-zan đặc quánh là dòng suối trong veo, mát lành. Tôi sà ngay xuống, vả từng vốc nước vào mặt ,vào miệng và thư thả nhìn ngắm dòng suối tự nhiên mát lạnh tưới tắm cho những rẫy cà- fê, cà ri xanh thẳm. Nhưng, cả đoạn đường ấy giờ chỉ còn trong miền nhớ, bởi nó chìm sâu trong lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 – với diện tích mặt nước rộng lớn, trong xanh được bao bọc bởi những dãy núi ngập nước sừng sững. Tôi rợn ngợp khi đi tham quan trên con thuyền khai thác gỗ, không áo phao giữa mênh mông cây cối bị ngập nước mà khi nhìn bề ngoài tưởng dòng nước hiền hòa nhưng sâu thẳm trong lòng nó là sự cuộn xoáy dữ dội. Càng đi sâu vào trong lòng hồ là những lều nổi của những người khai thác gỗ – họ nuôi nhiều cá lóc và cá trê, ăn rất ngon, dai thịt mà giá lại rất rẻ. Con thuyền ham chơi chỏ chúng tôi- khoảng 20 người cả lớn bé vào thật sâu trong lòng hồ khi không còn bóng dáng con người, chỉ nghe chim muông hú quạnh quẽ. Đoàn “du lịch tự phát thám hiểm” – tự chúng tôi đặt tên – được ăn bữa trưa hấp dẫn. Có lẽ do không chuẩn bị kĩ càng nên không có dao, đành cắt tiết gà bằng nứa trên nhà nổi, dìm cho gà chết đuối rồi mượn bếp củi, xong của chủ nhân không quen biết, bơi thuyền “thúng” tự chế để đi vặt cảnh củi khô. Trẻ em và phụ nữ được ưu tiên ăn đùi gà, ức và 2/3 quả dưa hấu để thay nước uống, còn các “phụ nam” thì nhắm phần còn lại với bia. Có lẽ, trong tất cả thuyền chúng tôi hôm ấy, may hơn hên, là gặp được một lều nổi có người và mua được 10 lít xăng mà chạy quay về an toàn. Quả thật, đó là những trải nghiệm vô cùng kí thú!
Tôi nhớ cách đây 5 năm, trên đường đi, đền Đăk Som – tôi đoán thế – thấy gia đình người Hoa đang cạo củ mì, tôi hỏi đường ra Quảng Khê còn bao xa thì người ta nói là không biết đó là đâu. Thật là nản, vừa lo, vùa sợ lạc đường. May mà có sóng diện thoại, bạn tôi gọi và bảo cứ theo đường nhựa đi thẳng, đến “Bến xe Quảng Khê” là dừng. Thật may là chúng tôi đi đúng đường. Sau một đêm, chúng tôi là “du hí” đi vào Quảng Sơn tìm anh trai tôi đóng quân trong đó. Trước đây, khi viết thư, tôi nhớ láng máng địa chỉ mà vẫn đi tìm. Đến giờ tôi vẫn tự nể phục mình là vậy! Nhưng như có sự chỉ dẫn đường từ đấng tối cao, như sự kì duyên, tôi gặp anh tôi tại cây xăng Tân Sơn khi xe hết xăng. Thật thú vị! Con đường tỉnh lộ 4 lúc ấy rợp mát những tán cây cổ thụ, nhưng đầy những “ổ voi”, ổ gà. Hiện giờ, nó đã khá bằng phẳng và đẹp đẽ khi được rải nhựa cấp phối.
Lúc trước, con đường đi ra Gia Nghĩa hay vào Quảng Sơn thật nguy hiểm. Nó vừa xuống cấp, lại thưa thớt dân cư, nhưng nay đã khác rất nhiều. Quảng Khê – trung tâm huyện Đăk Glong là một mình chứng.
Lúc đầu tôi đến, quán xá chỉ vài ba cái, bạn bè chúng tôi hay ngồi ở quán café Phố Núi – giờ đã không còn. Và khi đó, nếu tìm cả ngày cũng không thể có ngôi nhà hai tầng. Các văn phòng ủy ban xập xệ, chợ lèo tèo mấy cái lều lá úp xúp, xơ xác và thêm bẩn thỉu sau mỗi cơn mưa. Nhưng sau 5 năm, Quảng Khê của tôi giờ đây, tuy không giàu có bằng nới khác nhưng từng ngày thay da đổi thịt. Nó giờ đây đã mang khuôn mặt trù phú với bạt ngàn những đồi café, những rẫy chanh leo, những đồi thông và cao su xanh thẳm, vi vút, tình tự trong những cơn gió chiều mát rượi. Dân cư đông đúc hơn, nhà cửa mọc lên như nấm, khu chợ “ổ chuột” đã được thay bằng nơi cao ráo, sạch sẽ, khá khang trang.
Trong số những sự đổi thay, tôi thích sự thay đổi của nơi tôi công tác – Trường THPT Đăk Glong. Bữa tôi về làm thiết bị, rồi làm giáo viên, trường tôi “không có trường”. Lúc bấy giờ, có năm phòng học mượn của trường THCS Nguyễn Du để dạy học, thì dành 4 phòng cho việc học, còn tất cả cán bộ- giáo viên- công nhân viên chúng tôi được một phòng học – nơi đó dùng để họp, để cất giữ tài sản, và lớn nhất là máy phô tô cà khổ với tính khí thất thường – thích thì làm không thích là nghỉ – đến nay chúng tôi vẫn quyến luyến với nó. Rồi, mỗi năm, số học sinh càng tăng. Người ta tăng học trò càng thích, chúng tôi thì sợ như thể cái bụng bầu càng ngày càng to mà không biết giải quyết thế nào? Quả là nan giải! May mắn thay, trường tiểu học Kim Đồng vừa xây xong dãy nhà cấp 4 gồm 4 phòng, gần khu tập thể của tất cả giáo viên ở đấy. Chúng tôi được mượn để dạy học. Dù có trường nhưng không có nghĩa là đỡ khổ. Phòng học xây cho học sinh tiểu học nên rất nhỏ, mà học sinh cấp ba lại lớn lộc ngộc, mà những hơn 40 học sinh, mà oái ăm là căn nhà đó lại không có điện. Vào buổi chiều, cả cô và trò chúng tôi đánh vật với con chữ, bài toán trong khi mồ hôi nhễ nhại. Một năm học cứ chậm rãi trôi qua, có lẽ ông lão thời gian ì ạch mãi nên cô trò tôi thêm khổ. Một năm sau, năm học 2009 – 2010, thầy trò chúng tôi đội mưa, xắn quần xắn áo chuyển nhà mới lên thôn 6. Lúc ấy, trông chúng tôi như đàn kiến tha mồi về tổ, dù khó nhọc nhưng hạnh phúc! Hiện giờ, dù chưa đủ đầy, song chúng tôi đã có một môi trường giáo dục đúng nghĩa với 18 phòng học khang trang. Như một người bước ra từ từ cái nghèo, tính lạc quan luôn gắn liền khiến chúng tôi càng thêm yêu quý ngôi trường và mảnh đất này, luôn tin và hi vọng một ngày không xa, huyện nhà sẽ giàu có, phồn thịnh thêm bội số của nhiều lần 5 năm này nữa!
Một mùa xuân mới lại về, huyện nhà sẽ thêm thắm, thêm xuân, thêm xanh, thêm tươi mới, đẹp đẽ và tràn trề sức sống hơn nữa!
Hồ Thị Tuyết- GV trường THPT Đăk Glong