Xung quanh vấn đề này, sáng nay (22/7), chương trình Góc nhìn thẳng của VietNamNet đã có trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.
Thí sinh đăng ký nguyện vọng cố định
Nhà báo Kiều Oanh: Trước hết, xin gửi lời chúc mừng tới Bộ GD-ĐT đã kết thúc đợt đầu công bố điểm thi được suôn sẻ. Thưa Thứ trưởng, đợt xét tuyển sắp tới, Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp như thế nào để không diễn ra tình trạng như “sàn chứng khoán” hay “đi xe cứu thương nộp hồ sơ” như năm trước?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Rút kinh nghiệm đợt xét tuyển năm 2015, năm nay Bộ đã điều chỉnh quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ để khắc phục những bất cập của năm ngoái.
Cụ thể, năm nay thí sinh đăng ký một số nguyện vọng nhất định, sau đó không được rút ra nộp vào như trước, nghĩa là thí sinh chỉ đăng ký một lần, không được thay đổi nguyện vọng nữa.
Với cách thức xét tuyển mới như năm nay, Bộ GD-ĐT đã có những chuẩn bị như thế nào để không xảy ra những sai sót đáng tiếc?
Năm nay có nhiều phương thức đăng ký xét tuyển.
Có 2 phương thức chính: thí sinh gửi phiếu đăng ký xét tuyển tới trường bằng chuyển phát nhanh, hoặc đăng ký trực tuyến qua mạng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Ngoài hai phương thức đó, các trường có thể đề ra nhiều phương thức khác, ví dụ thí sinh có thể nộp tại trường hoặc đăng ký trực tuyến vào máy chủ của trường, nhưng trường phải đảm bảo những phương thức bổ sung này không gây mất trật tự và lộn xộn tại nơi thu nhận hồ sơ.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trao đổi với VietNamNet lúc 11h ngày 22/7 |
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã làm việc rất chặt chẽ với Vietel – cơ quan cung cấp công nghệ thông tin để đảm bảo cho việc tuyển sinh trực tuyến diễn ra suôn sẻ.
Phần mềm đăng ký xét tuyển đã viết xong và được thử nghiệm ở nhiều nơi. Đặc biệt ở những vùng khó khăn: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đều chạy rất tốt.
Bộ cũng yêu cầu việc cung cấp dịch vụ này phải chuẩn bị nhiều máy chủ để tạo vùng đệm với thí sinh khi đăng ký.
Trong trường hợp nhiều thí sinh đăng ký cùng lúc thì có thể nhập vùng đệm trước, sau đó mới đưa vào máy chủ chính để kiểm soát. Bộ cũng đã yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ viết phần mềm rất đơn giản để có thể kiểm tra thông tin nhanh nhất có thể được để giảm thời gian CPU để quá trình đăng ký không bị nghẽn mạng.
Với kết quả thi như đã công bố, ông có dự báo gì về ngưỡng điểm sàn xét tuyển đại học cũng như là điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay?
Ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký quyết định thành lập hội đồng xác định ngưỡng chất lượng đầu vào và ngày 28/7 này hội đồng sẽ họp để quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, tư vấn Bộ trưởng để công bố.
Hiện nay Cục Khảo thí đang tổng hợp các tài liệu kết quả thi của thí sinh, phân tích kết quả, vẽ phổ điểm để tư vấn cho hội đồng điểm sàn xem xét, quyết định.
Năm nay Bộ cũng đã công khai toàn bộ kết quả thi của thí sinh rồi.
Sáng nay, Vietnamnet cũng đã có những phân tích cơ sở dữ liệu và đưa raphổ điểm của các môn khác nhau. Có nghĩa là với số liệu mà Bộ công bố công khai, mọi người đều có thể phân tích kết quả.
Chúng ta thấy những môn chính như Toán, Văn, Lý, Hóa, điểm trung bình đều nằm giữa 5-6, chỉ có môn Ngoại ngữ có kết quả thấp hơn thôi.
Với kết quả như vậy, thí sinh cũng dự báo được điểm sàn năm nay xấp xỉ như thế nào.
Bởi vì với chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 400 ngàn đối với thí sinh đại học (kể cả thí sinh xét tuyển qua xét học bạ) thì với phổ điểm và kết quả mà Bộ công bố như vậy thì các em cũng có thể dự báo được điểm sàn nằm ở mức nào. Còn cụ thể mức đó là bao nhiêu thì phải chờ ngày 28 này, hội đồng điểm sàn sẽ đưa ra.
Không công bố dữ liệu để tránh hoang mang cho thí sinh
Thứ trưởng cho biết thực hư câu chuyện Bộ GD-ĐT khóa phần mềm đến phút chót mới công bố, nghĩa là đến 12/8 các trường đại học mới được công bố dữ liệu xét tuyển của từng trường?
Bộ không có chủ trương khóa cơ sở dữ liệu. Nghĩa là những trường có nhu cầu cập nhật dữ liệu hằng ngày đều có thể đăng ký với Cục Khảo thí để tải cơ sở dữ liệu về trường mình để nghiên cứu tham khảo.
Tuy nhiên, năm nay các trường không được công bố dữ liệu đó trên mạng để tránh hoang mang với thí sinh. Có thể thí sinh sẽ hiểu nhầm dữ liệu và nộp hồ sơ không đúng vào ngành nghề mình lựa chọn.
Các trường có tải dữ liệu về thì các trường sẽ bảo mật và không được công bố. Còn những trường nào không có nhu cầu tải về, ví dụ các trường lớn, thì có thể tải về trong ngày cuối cùng.
Khi tập hợp được tất cả dữ liệu, Bộ sẽ cung cấp cho các trường kể cả số liệu thí sinh đăng ký ở các trường và các ngành khác cuối đợt xét tuyển để các trường tham khảo thí sinh đăng ký vào trường mình và có thể đăng ký trường nào khác để dự báo được số lượng ảo và từ đó quyết định được chỉ tiêu phù hợp.
Năm nay, Bộ cũng kiểm tra rất nghiêm ngặt việc thực hiện chỉ tiêu các trường nên các trường phải hết sức lưu ý việc xác định điểm chuẩn vào trường, ngành thế nào cho phù hợp để không vượt chỉ tiêu đã công bố.
Năm nay thí sinh sẽ nộp hồ sơ một lần và không được rút ra. Vậy ông có lời khuyên nào cho thí sinh trong vấn đề xét tuyển đúng nguyện vọng mình học sắp tới?
Hiện nay các em đã có kết quả thi của mình rồi. Các em đối chiếu với điểm chuẩn của các ngành xét tuyển vào các trường năm ngoái. Hiện nay tất cả trên trang mạng của các trường đều có rồi. Các em muốn trường nào thì các em vào trang web của các trường để tham khảo trường này, ngành này năm ngoái lấy bao nhiêu điểm.
Các em thi nhiều môn khác nhau nên chọn tổ hợp môn xét tuyển nào tối ưu nhất cho mình. Hiện nay các em cũng có thể tham khảo được ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phân tích phổ điểm mà ngay cả Vietnamnet sáng nay cũng đã đưa tin. Các em cũng có thể dựa vào đấy để phán đoán được.
Sau khi các em đã quyết định rồi, các em có 10 ngày từ nay đến ngày 1/8.
Khi bắt đầu đăng ký, các em nên nộp phiếu đăng ký xét tuyển càng sớm càng tốt, không nên chờ đợi vào những ngày cuối. Nhiều em chờ đợi như vậy rồi hồi hộp, ảnh hưởng đến tâm lý không cần thiết. Các em nộp giấy báo kết quả thi để khẳng định ngành học ở trường. Rất là đơn giản, các em không phải lo lắng, bồn chồn, không phải có áp lực tâm lý nào cả.
Cảm ơn Thứ trưởng đã tham dự chương trình.
theo http://vietnamnet.vn/