Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2015: Tăng cơ hội từ việc rút – nộp hồ sơ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong thời gian của đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào ngành của trường đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác.

 

Thí sinh rất quan tâm đến thông tin tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015 Ảnh: TẤN THẠNH

Thí sinh rất quan tâm đến thông tin tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015 Ảnh: TẤN THẠNH

Nhiều thông tin quan trọng về cơ hội xét tuyển của thí sinh (TS) trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 vừa được lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH (gọi tắt là Cục Khảo thí), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phản hồi ngày 3-2, ngay sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “Có bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển?” (số ra ngày 2-2).
Được điều chỉnh nguyện vọng
Trả lời thắc mắc của phóng viên Báo Người Lao Động về việc trong mỗi đợt xét tuyển, các trường ĐH, CĐ có bắt buộc phải bắt đầu và kết thúc xét tuyển cùng ngày hay không, lãnh đạo Cục Khảo thí cho hay theo dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2015, nếu dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, các trường bắt đầu và kết thúc đợt xét tuyển như nhau. Tuy nhiên, các trường tự chủ trong việc dành một phần chỉ tiêu cho đợt xét tuyển sau.
Về việc TS mong muốn và dự định đăng ký xét tuyển vào những trường ĐH lớn như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Y Hà Nội… nhưng nếu không trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội thì có quay lại xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa được hay không? Cục Khảo thí cho biết ngay trong đợt 1, TS hoàn toàn có thể xét được vào Trường ĐH Y Hà Nội. Nếu TS dự đoán (theo thông tin đăng ký xét tuyển của Trường ĐH Y Hà Nội) có khả năng không trúng tuyển thì trong khoảng thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển, TS hoàn toàn có thể rút hồ sơ và đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa, không phải khi đã không trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội thì không còn cơ hội quay lại xét tuyển ở  Trường ĐH Bách khoa.
Lãnh đạo Cục Khảo thí khẳng định với cách xét tuyển theo từng đợt thống nhất, TS luôn có thông tin để tính toán khả năng đỗ, trượt của mình. TS bị trượt chỉ khi tính toán “quá sát”. Ví dụ, một trường có 100 chỉ tiêu. Nếu ở ngày gần cuối, TS đó đứng ở vị trí khoảng 65 thì khả năng đỗ rất lớn. Song, TS ở vị trí 98 mà vẫn không rút thì khả năng trượt cũng sẽ không nhỏ. “Dự thảo quy chế yêu cầu 3 ngày 1 lần, các trường phải công khai thông tin xét tuyển. Do vậy, TS luôn biết được khả năng trượt, đỗ của mình để điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển ngay tại trường đó hoặc rút hồ sơ sang nộp ở trường khác mà mình có khả năng đỗ” – vị này nói.
Thí sinh có thiệt thòi?
Liên quan đến thông tin TS thật sự chỉ có 1 NV trong từng đợt chứ không phải là 4 NV – thậm chí trước kia ở NV bổ sung, TS được đăng ký cùng lúc vào 3 trường nay chỉ còn 1 trường – như vậy sẽ thiệt hơn, lãnh đạo Cục Khảo thí phân tích: Mặc dù trong mỗi đợt xét tuyển, TS chỉ được sử dụng 1 phiếu nhưng mỗi phiếu cho phép đăng ký xét tuyển tối đa vào 4 ngành hoặc nhóm ngành của một trường. Ví dụ, TS trước kia thi vào Trường ĐH Y Hà Nội chỉ đăng ký vào 1 ngành, nếu đăng ký vào bác sĩ đa khoa mà trượt thì không thể học ở  đây. Nhưng năm nay, TS có thể đăng ký: NV1 vào ngành bác sĩ đa khoa, NV2 răng hàm mặt, NV3 là y học cổ truyền. Như vậy, nếu trượt NV1, TS được xét vào NV2, NV3…, cơ hội trúng tuyển tăng hơn nhiều.
Với ý kiến cho rằng TS sẽ chịu thiệt thòi hơn trước kia do dự thảo quy chế cho phép ở các đợt xét tuyển NV bổ sung, TS cũng chỉ nộp vào 1 trường với 4 NV như đợt 1, lãnh đạo Cục Khảo thí cho hay ban soạn thảo quy chế ghi nhận và sẽ cân nhắc việc điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, TS cũng cần lưu ý: Với việc cùng một lúc có thể đăng ký được vào nhiều trường, bề ngoài có vẻ TS có nhiều quyền lợi hơn. Tuy nhiên, thực tế xét tuyển NV bổ sung trong kỳ thi “3 chung” trước đây cho thấy không chỉ các trường gặp khó khăn do TS ảo mà ngay cả TS cũng không thể có cơ sở dự đoán được khả năng trúng tuyển của mình để kịp rút hồ sơ sang trường khác và chỉ còn chờ vào may, rủi.
Ngoài ra, nếu như trước kia, trong đợt xét tuyển đầu tiên, TS đã đăng ký cố định ở một hoặc 2 trường và không được rút hồ sơ thì theo phương án xét tuyển mới, trong thời gian của đợt xét tuyển đầu tiên, TS được phép thay đổi NV với ngành của trường hoặc rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác.
Khó “ảo” nếu điểm chuẩn cao hơn điểm sàn
Nhiều ý kiến lo ngại quy định điểm chuẩn xét tuyển NV sau không được thấp hơn NV trước có thể dẫn đến tình trạng một số trường – đặc biệt là các trường ĐH vùng, ĐH ngoài công lập và những ngành khó tuyển  – sẽ không tuyển được. Ví dụ điển hình là cách đây vài năm, Trường ĐH Cần Thơ đã phải hạ điểm chuẩn NV2 so với NV1 để xét tuyển cho đủ chỉ tiêu. Cục Khảo thí khẳng định từ trước đến nay, các trường luôn phải cân nhắc việc chọn điểm trúng tuyển thế nào cho hợp lý, vừa bảo đảm nguồn tuyển vừa bảo đảm chỉ tiêu.
“Trước kia, các trường phải cân nhắc nhiều hơn vì không thể dự đoán được mức độ TS “ảo”. Còn năm nay, những ngành có điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn thì gần như không “ảo” nên trường không có gì phải lo lắng. Còn những trường xét bằng điểm sàn thì vòng xét tuyển kế tiếp cũng xét bằng sàn” – lãnh đạo Cục Khảo thí nhấn mạnh.
Nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tuyen-sinh-dh-cd-2015-tang-co-hoi-tu-viec-rut-nop-ho-so-20150203221040945.htm