Bộ GD-ĐT vừa công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2014 với 4 môn, trong đó thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ Văn, hai môn thi tự chọn sẽ nằm trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ. GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết, với phương án này, học sinh sẽ giảm được áp lực học tập. Đặc biệt, trong các kỳ thi các em sẽ bớt căng thẳng, lo lắng hơn. Tuy nhiên điều khiến GS Cương cũng như các học sinh phấn khởi nhất chính là việc Bộ đánh giá thí sinh dựa vào 50% kết quả học tập ở trường và 50% kết quả thi tốt nghiệp. GS Cương cho biết, với các tính này không phải các em học sinh cứ đạt điểm trung bình môn thi tốt nghiệp là 5 mới đỗ mà theo quy định mới thì 4, thậm chí là 2 vẫn có khả năng đỗ tốt nghiệp. GS Cương giải thích: “Nếu điểm bình quân ở trường của học sinh lớp 12 đạt 8 mà điểm trung bình môn thi tốt nghiệp đạt 2 thì học sinh vẫn đỗ. Bởi khi cộng gộp cả hai (điểm bình quân ở trường và điểm trung bình môn thi tốt nghiệp) vào chia cho 2 thì học sinh vẫn được 5, như vậy là đạt yêu cầu”. Với phương án thi tốt nghiệp THPT mới, học sinh có nhiều cơ hội đỗ tốt nghiệp hơn GS Cương cho biết thêm, năm ngoái, các em học sinh phải thi 6 môn bắt buộc, năm nay chỉ thi 4 môn, trong đó lại chỉ có hai môn bắt buộc, hai môn tự chọn trong 6 môn còn lại. Với phương án đó, học sinh có thể dễ dàng chọn những môn mình yêu thích và cũng là thế mạnh của bản thân mình. “Với phương án như vậy, học sinh đi thi cũng nhẹ nhàng, đỡ áp lực và điểm thi chắc chắn sẽ cao hơn. Năm ngoái Bộ GD công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là 98%, năm nay tôi dự đoán với phương án thi 4 môn thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp phải đạt 99%”, GS Cương nói. Ngoài những điểm tích cực trong phương án thi 4 môn Bộ vừa công bố, GS Cương lo lắng, nếu dựa vào kết quả 50% học sinh rèn luyện học tập ở trường thì rất dễ nảy sinh tiêu cực trong giáo dục . Bởi lẽ, trong các kỳ học, nếu học sinh có điểm tổng kết thấp thì thầy giáo có thể nhân nhượng cho lên cao hơn hoặc học sinh đi xin điểm. Hay trong các bài kiểm tra, có thể học kỳ 1 thầy giáo ra đề khó, nhưng đến học kỳ 2 thầy lại ra đề dễ để cho học sinh gỡ điểm 8, hoặc 9. “Về nguyên tắc, giáo viên vẫn không sai vì nội dung bài kiểm tra vẫn nằm trong chương học. Tuy nhiên, tôi nghĩ tình trạng tiêu cực về điểm sẽ xảy ra ở môi trường giáo dục. Học sinh luôn muốn điểm cao, còn thầy lại nghĩ cho học sinh điểm cao để lỡ khi đi thi tốt nghiệp điểm bị thấp thì điểm ở trường sẽ bù trừ, kéo lại”, GS Cương nêu. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, việc Bộ đánh giá học sinh dựa trên tiêu chí 50% kết quả học ở trường, 50% thi tốt nghiệp là phương án hay. Trong quá trình học ở trường, có nhiều học sinh học mạnh môn Toán nhưng lại yếu về môn Sử. Tuy nhiên, qua phương án thi nêu trên, học sinh vẫn có thể khắc phục bằng cách phát huy thế mạnh môn học khá để lấy điểm cao bù cho môn học yếu. Và cái quan trọng hơn là kết thúc năm học, học sinh đỗ tốt nghiệp là đạt yêu cầu.
|
Thi tốt nghiệp THPT: 2 điểm/môn vẫn có thể đỗ
Lượt xem: