Thi tốt nghiệp 4 môn, giảm áp lực
Bạn Phạm Quang Huy, học sinh Trường THPT Bạch Đằng (tỉnh Quảng Ninh) cho rằng : “Việc giảm từ 6 môn (3 môn bắt buộc – 3 môn do Bộ GD – ĐT quyết định) xuống còn 4 môn (2 môn Toán và Văn bắt buộc và 2 môn tự chọn) em thấy rất thuận lợi cho việc ôn tập và việc chọn khối thi ĐH vì những bạn thi khối A sẽ chọn thêm 2 môn Lí, Hóa; khối B chọn Hóa, Sinh: khối C chọn thêm Sử, Địa, khối D và A1 chọn thêm Lý, Anh cùng với 2 môn Văn Toán bắt buộc. Như vậy, việc học ôn thi tốt nghiệp sẽ phần nào giảm bớt căng thẳng và áp lực cho chúng em.”
Huy cũng cho biết, đa số các bạn trong lớp mình không lựa chọn Ngoại ngữ làm môn tự chọn khi thi tốt nghiệp vì phần lớn các bạn theo khối A. Ngoại ngữ là môn học khiến không ít các bạn lo sợ, đặc biệt là những bạn ở vùng sâu, vùng xa hoặc không có điều kiện rèn luyện nhiều bộ môn này. Chính vì thế, quyết định đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay “cứu vớt” khá nhiều các bạn học sinh.
Đồng quan điểm, bạn Đào Linh, học sinh lớp 12D5 Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho hay: Năm nay khi nghe tin thi 4 môn thay vì 6 môn như trước, đa số các bạn trong lớp em đều rất vui mừng, ngay cả bản thân em, ngoài 2 môn Văn, Toán em lựa chọn 2 môn còn lại là Vật lý và Tiếng Anh nhưng em vẫn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng không còn bị áp lực như hồi phải thi 6 môn nữa.
Thi tốt nghiệp 4 môn và Tiếng Anh là môn tự chọn đã “cứu vớt” khá nhiều học sinh (nguồn internet)
Ngoại ngữ nên là môn bắt buộc
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, không ít bạn học sinh cảm thấy sự đổi mới này là một cản trở lớn trong việc ôn luyện và cả khả năng phát triển ngoại ngữ của bản thân sau này.
Bạn Đặng Thị Nguyệt, học sinh Trường THPT Tô Hiệu (Hà Nội) cho biết : “Như mọi năm, 6 môn thi tốt nghiệp đều do Bộ GD-ĐT quyết định, dù muốn hay không thì tất cả học sinh đều phải cố gắng chăm chỉ để hoàn thành kỳ thi một cách tốt nhất. Việc đưa môn Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn khiến mức độ cần thiết của môn học này giảm đi đáng kể mà trong thời kỳ hội nhập này, lẽ ra tiếng Anh ngày càng phải nâng cao và phát triển hơn nữa.”
Không chỉ vậy, Nguyệt còn chia sẻ: “Tới lớp, giờ mỗi bạn học ôn một môn khác nhau, không thể hỏi nhau những bài khó, giảng cho nhau những phần chưa hiểu. Cả lớp đều muốn thi như trước, vừa thuận tiện cho việc ôn luyện cùng nhau, vừa gắn kết tinh thần đoàn kết trong lớp”.
Còn theo Sơn Paris, Đại sứ học đường đồng thời cũng là gia sư của nhiều bạn học sinh đang ôn luyện cuối cấp đưa ra nhận định: “Bản thân Sơn cũng đang dạy Văn và Ngoại ngữ cho một số học sinh và cũng nhận được nhiều luồng ý kiến, phản hồi khác nhau từ các em với quyết định mới trong việc thi tốt nghiệp năm nay”.
Cách thức thi về cơ bản không thay đổi so với các năm trước, tức là thi tự luận với môn Toán, Ngữ văn và Lịch sử, trắc nghiệm với các môn còn lại. Riêng đối với môn Ngoại ngữ thì ngoài phần trắc nghiệm, bài thi năm nay sẽ có thêm phần viết luận với thời gian thi không thay đổi.
Nếu Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc thì sẽ phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập của đất nước hơn, đặc biệt là với phần thi tự luận sẽ giúp việc kiểm tra chất lượng học ngoại ngữ rõ rệt và chính xác hơn. Tuy nhiên, chắc chắn Bộ đã cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra quyết định nên việc quan trọng nhất mà các em học sinh cần làm bây giờ chính là ôn luyện thật chăm chỉ để đạt được kết quả như ý trong 2 kỳ thi lớn trước mắt.
Giữ 6 môn thi chung nhiều bạn chia sẻ đó cũng là sự thuận tiện cho việc ôn luyện cùng nhau, vừa gắn kết tinh thần đoàn kết trong lớp (nguồn internet)
Không đồng ý với việc đưa môn Tiếng Anh là môn tự chọn trong kỳ thi sắp tới, bạn Hoàng Giang, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nhận định: Mình thấy môn Tiếng Anh là một môn cực kỳ quan trọng, sau này lên đại học, các bạn ấy sẽ biết môn này là một môn bắt buộc mà bất kỳ sinh viên nào cũng cần, huống gì đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập, tiếng Anh là môn học không thể thiếu để chúng ta nâng cao kiến thức học được.
Giang cũng cho rằng việc thi 6 môn khá phù hợp, vì trong các chương trình học 12 năm, chúng ta đã trang bị đủ các kiến thức rồi, tại sao đi thi để ôn lại toàn bộ kiến thức thì chúng ta lại trốn tránh một kỳ thi xét lại học lực của chính chúng ta trong thời gian qua? “Mình vẫn thích được thi lại 6 môn và giữ môn Tiếng Anh là môn bắt buộc”, Giang khẳng định.
Minh Đông- http://www.baomoi.com
|
Thi tốt nghiệp 4 môn: Học sinh nói gì?
Lượt xem: