Nhìn lại sự kiện thông qua Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền GD&ĐT

Lượt xem:

Đọc bài viết

Nhìn lại sự kiện thông qua Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền GD&ĐT

(GDVN) – Sự kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã nhất trí thông qua Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo có ý nghĩa quyết định, và cũng là sự kiện trọng đại trong năm của ngành giáo dục. Đây được coi là tiền đề để đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà sang một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH đất nước, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trước khi đổi mới vẫn còn nhiều ý kiến thể hiện lo ngại và băn khoăn…?

Mỗi một năm qua đi, kéo theo nhiều sự kiện của ngành giáo dục và những dấu mốc đáng nhớ, mỗi một sự kiện có vui, có buồn, nhưng ở đó qua từng sự kiện chúng ta có thể nhìn nhận một cách đúng mực để có những bài học kinh nghiệm cũng như đánh giá chính xác nhất về những thành tựu mà ngành giáo dục trong năm đã đạt được. 10 sự kiện ngành giáo dục của năm do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bình chọn dưới một góc nhìn và theo quan điểm riêng, hy vọng sẽ đem lại cho độc giả của Báo Giáo dục Việt Nam một cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn về giáo dục trong một năm qua.

Ban hành Nghị quyết về đổi mới giáo dục

Phát triển những kết quả đã đạt được tại Hội nghị Trung ương 6, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Đề án về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

So với Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, Nghị quyết của Hội nghị lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung đổi mới về nhận thức, tư duy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.

 1

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục lần này phải đổi mới từ trong tư duy.

Về nhận thức, Trung ương cho rằng, đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục – đào tạo cùng các cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm việc thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến đổi mới các cơ sở giáo dục – đào tạo và sự tham gia của gia đình, cộng đồng xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học, ở cả Trung ương và địa phương.

Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả từ đầu mà phải kế thừa, phát triển những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm tốt đã có, đồng thời bổ sung những quan điểm, tư tưởng mới, kiên quyết chấn chỉnh những lệch lạc, những việc làm trái quy luật, phát triển những nhân tố mới.

Đổi mới phải đảm bảo tính hệ thống, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học, có tầm nhìn dài hạn, các giải pháp đồng bộ, khả thi, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

Về mục tiêu của đổi mới lần này, Trung ương chỉ rõ, phải tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội.

Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, phải thực sự coi giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Từ những quan điểm trên, đầu tháng 11 năm 2013 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Với định hướng xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Trận đánh lớn của ngành giáo dục

Trước đó, trả lời trên báo chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, ngành giáo dục coi lần đổi mới này như một “trận đánh lớn, nó xứng tầm như một cuộc cách mạng”.

Bộ trưởng Luận cho rằng, lần này chúng ta xác định có một sự thay đổi khác hẳn, chúng ta sẽ chuyển từ việc dạy và học chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò, nặng về truyền thụ kiến thức sang phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của con người lao động mới. Đó là sự thay đổi khác.

 2

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đổi mới giáo dục lần này đã có nhiều tín hiệu khả quan. Ảnh Tuổi trẻ.

Lực lượng được xác định cho công cuộc đổi mới lần này là giáo viên, đó là lực lượng đi đầu đóng vai trò thành bại ở lần đổi mới này. Bộ trường Phạm Vũ Luận cũng từng khẳng định, người thầy là trung tâm của quá trình giáo dục; kiến thức người thầy cung cấp cho học sinh luôn luôn là “chân lý tuyệt đối đúng”. Học sinh ở vị trí bị động của người tiếp nhận tri thức, cố nhớ thật nhiều để khi thi thì viết hoặc nói lại cho thầy chấm. Nhiều học sinh thiếu kỹ năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Do đó, việc xây dựng lại đội ngũ giáo viên là một bài toán của ngành giáo dục. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong lần đổi mới này không thể bỏ 2 triệu thầy cô giáo hiện nay sang bên cạnh để đưa 2 triệu thầy cô giáo mới được đào tạo vào, mà phải đổi mới từ đội ngũ hiện nay của chúng ta, việc đó sẽ được triển khai đào tạo lại trong thơi gian tới.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS. TS. Trần Kiều cho biết, ông rất lo ngại ở đội ngũ nhà giáo hiện nay khó chuyển mình để sẵn sàng cho cuộc đổi mới lần này. “Trách nhiệm đặc biệt quan trọng của đội ngũ giáo viên đối với sự thành bại của đổi mới, điều này liên quan tới động lực, sức mạnh bên trong của giáo viên. Xem ra động lực của nhà giáo hiện nay đang có vấn đề, tức là chưa đủ mạnh để đổi mới” PGS. TS. Trần Kiều có quan điểm.

Còn TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội lâm lý giáo dục Hà Nội nhìn nhận dưới góc độ tâm lý thì cho rằng, đúng là người thầy có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, chia sẻ với chúng tôi, ông nói: “Chúng ta phải tạo ra những thế hệ nhà giáo có tay nghề làm việc hết sức chuyên nghiệp, đủ năng lực đáp ứng đổi mới giáo dục chứ không phải là một thế hệ những ông thầy “ngoan ngoãn” mà không thay đổi được học trò.

Quan điểm của TS. Tùng Lâm là phải bồi dưỡng lại 100% đội ngũ về mặt tay nghề, cách bồi dưỡng cũng phải thay đổi, dùng người giỏi để bồi dưỡng, không phải chỉ bồi dưỡng lí thuyết.

Phải đổi mới từ tư duy để thực sự đổi mới

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mới đây cho biết, đổi mới lần này là sự thay đổi căn bản: Cách thức, tư duy sẽ khác, vị trí của người thầy sẽ khác. Vai trò và nhiệm vụ của người học sẽ khác. Phương pháp học, kiểm tra, đánh giá sẽ khác. Như vậy, chúng ta phải từ bỏ cách nghĩ, cách làm vốn là “máu thịt” của nhiều thế hệ học sinh, thầy cô giáo sang cách làm mới.

Chúng ta không có lựa chọn khác, vì đây là con đường, cách thức mà hầu hết các nước trong đó có nước phát triển cả về văn hóa, kinh tế, giáo dục đang đi.

Trong thời gian qua khi đưa ra những ý kiến đóng gióp cho công cuộc đổi mới giáo dục lần này, nhiều quan điểm khẳng định nền giáo dục của chúng ta đang bị lỗi ở hệ thống, đó là nguyên nhân sâu xa dẫn tới giáo dục kém phát triển, mặc dù chúng ta đầu tư, quan tâm không ít cho sự nghiệp “trồng người” này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Cảnh, một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển sinh của ĐH Havard cho rằng, giáo dục Việt Nam hiện nay được cả xã hội quan tâm là do lỗi hệ thống, lỗi hệ thống phải giải quyết bằng hệ thống. Bản thân của ngành giáo dục không tự nó có thể giải quyết tất cả các vấn đề một cách đồng bộ và hiệu quả, nếu không đặt các vấn đề và trách nhiệm liên quan lên bàn mổ.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng cho rằng, nếu không thay đổi tư duy và phương pháp, tiếp tục cách làm chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ thì không thể biến chuyển căn bản, toàn diện nào cả.

“Trước hết muốn nêu được vấn đề để đổi mới giáo dục phải đánh giá được thực trạng đúng của giáo dục hiện nay, từ thực trạng đó nêu ra được yêu cầu, giải pháp. Giáo dục chúng ta vừa làm, vừa nói dạy chữ, dạy người, dạy nghề nhưng thực tế chưa được như thế, giáo dục trước hết phải dạy con người, con người ở đây tôi muốn nói là con người lương thiện” nguyên Phó Chủ tịch nước khẳng định với phóng viên.

Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, GS. Hoàng Tụy cũng cho biết, Đề án đổi mới căn bản và toàn diện lần này là bản tốt nhất từ trước tới nay và hoàn toàn có tính khả thi, vì đây chẳng qua là đưa giáo dục của ta trở lại quỹ đạo chung của thế giới.

“Một điều tôi muốn nói là có một Đề án tốt được TƯ thông qua là thuận lợi lớn, nhưng chỉ mới là bước đầu. Thực hiện như thế nào mới là quan trọng. Trước đây đã từng có nghị quyết TƯ II khóa 8, xác định phát triển giáo dục và khoa học là quốc sách hàng đầu, mà rồi mọi chuyện vẫn cứ ỳ ra, không tiến được bước nào mà có mặt còn tồi tệ hơn. Mong sao số phận đề án đổi mới giáo dục kỳ này sẽ may mắn hơn” GS. Hoàng Tụy kỳ vọng.

Theo báo GD & TĐ