Kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020: Nhiều kết quả tích cực

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày 11/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015-2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị.

 24.984 cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài

Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015-2020 cho thấy, đã có nhiều hoạt động được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng chủ trì phần thảo luận tại Hội nghị

Tính đến năm học 2019-2020, 100% Sở GDĐT đã triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó nhiều tỉnh/thành phố có tỷ lệ cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài cao trên 90%, như: Bắc Ninh; Hà Nam; Hưng Yên… 4 tỉnh/thành phố có số lượng trường được đánh giá ngoài lớn (trên 1500 trường) gồm Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An và Thanh Hóa.

Tính đến tháng 7/2020 có 24.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên trên cả nước đã được đánh giá ngoài, đạt tỷ lệ 58,70%. Số lượng này tăng gần 6 lần so với mức 4.206 trường (chiếm tỉ lệ 9,75%) được đánh giá ngoài năm 2014. Công tác tự đánh giá của các cơ sở giáo dục cũng chuyển biến rõ rệt; đạt tỷ lệ 96% cơ sở hoàn thành tự đánh giá.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) Lê Mỹ Phong cho biết, những năm qua, Bộ GDĐT đã ban hành và tham mưu ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục. Đặc biệt, năm học 2018, Bộ GDĐT đã ban hành một loạt Thông tư tích hợp quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục các cấp học; các công văn hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Việc thống nhất một bộ tiêu chuẩn đánh giá, một quy trình đánh giá đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục thực hiện cùng một lúc hai hoạt động, góp phần làm giảm các thủ tục hành chính trong công tác quản lý, giảm công sức, thời gian và chi phí khi triển khai thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng tự đánh giá và đánh giá ngoài cho cán bộ quản lý, giáo viên của các Sở GDĐT cũng được Bộ GDĐT chú trọng hỗ trợ triển khai. Tính đến tháng 11/2020, đã có gần 28.000 cán bộ, giáo viên được tham gia các khoá bồi dưỡng. Xét trên quy mô cả nước, đội ngũ này cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ hoạt động tự đánh giá và thực hiện đánh giá ngoài tại nhiều địa phương.

Các Sở GDĐT và cơ sở giáo dục cũng đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức trong công tác quản lý giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục. Nhiều Sở GDĐT đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác kiểm định chất lượng và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Một số địa phương đã nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích phù hợp cho những đơn vị thực hiện tốt công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, có chế tài xử lý những cơ sở làm không tốt.

Qua thực tiễn triển khai, các địa phương đều khẳng định, công tác kiểm định chất lượng có ý nghĩa và tác động lớn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Việc có thêm nhiều cơ sở giáo dục được công nhận kiểm định chất lượng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều trường nâng cao được các tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý nhà trường; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục;… Người hưởng lợi cuối cùng từ quá trình phấn đấu đạt các mức của tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, trường chuẩn quốc gia chính là các học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác kiểm định chất lượng còn một số hạn chế như: một bộ phận cán bộ quản lý (nhất là quản lý cơ sở giáo dục) chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức về công tác kiểm định chất lượng giáo dục; còn một số địa phương triển khai chậm hoạt động này; chất lượng kiểm định viên chưa đồng đều; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục của một số Sở GDĐT còn thiếu và luôn có sự thay đổi nên ảnh hưởng hiệu quả triển khai…

Không vì thi đua mà hạ chuẩn đánh giá

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những kết quả đạt được của công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015-2020.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng cho biết, trong rất nhiều văn bản của Đảng, Chính phủ đều xác định kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Quy định về công tác kiểm định chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học đã được đưa vào Luật Giáo dục từ năm 2005 và được tiếp nối, hoàn thiện trong các văn bản Luật tiếp theo, như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục (ban hành năm 2009), Luật Giáo dục 2019.

Nguyên tắc về kiểm định chất lượng giáo dục được quy định rõ trong các văn bản Luật này là đảm bảo “Độc lập, khách quan, đúng pháp luật”, “Trung thực, công khai, minh bạch”. Nếu đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục (ban hành năm 2009) hoạt động kiểm định chất lượng chỉ dừng ở việc khuyến khích cơ sở giáo dục tham gia thực hiện, thì Luật Giáo dục 2019 đã yêu cầu đây là hoạt động “bắt buộc”, “định kỳ” và thực hiện bình đẳng.

Với sự thay đổi trong quan điểm chỉ đạo đó, những năm qua, đặc biệt giai đoạn 5 năm từ 2015 đến 2020, công tác kiểm định chất lượng đã được các nhà trường, địa phương triển khai tích cực, hiệu quả. Hoạt động này tạo diện mạo mới, vị thế mới, tạo chuyển biến tích cực và rõ nét trong công tác giáo dục của các nhà trường, mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh. Trong các nhà trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và đạt kiểm định chất lượng giáo dục, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành. Các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và xã hội ngày càng có ý thức trách nhiệm chung tay xây dựng nhà trường tốt đẹp hơn.

Tại Hội nghị, một số địa phương nêu ý kiến về việc một số tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thực hiện theo Thông tư 13 (ban hành năm 2020) quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học đang gây khó khăn cho cơ sở giáo dục trong việc đạt công nhận kiểm định, công nhận chuẩn quốc gia. Trong khi đó, đây là một trong những tiêu chí thi đua được không ít địa phương đề ra.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn hữu Độ nhấn mạnh: “Chuẩn kiểm định chất lượng không phải danh hiệu thi đua vì trong thi đua có sự động viên. Chúng ta muốn học sinh được học trong môi trường tốt hơn thì phải nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng; không vì danh hiệu đạt CQG/ chuẩn kiểm định mà hạ chuẩn đánh giá. Một số địa phương gặp khó khăn về quy định diện tích mặt sàn xây dựng, như Hà Nội, TP HCM… Bộ GDĐT đã có quy định đặc thù, cho phép các trường xây dựng trước khi Thông tư ban hành tiêu chuẩn KĐCL có hiệu lực, được tính diện tích theo mặt diện tích mặt sàn thay vì phải tính theo diện tích đất . Tất cả các trường được xây dựng sau khi Thông tư 13 có hiệu lực phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất theo Thông tư này”.

Làm rõ nội dung liên quan đến Thông tư 13, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GDĐT) Phạm Hùng Anh cho biết, Thông tư được ban hành năm 2020, trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong khi đó, các Thông tư về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia được xây dựng và ban hành (năm 2018) khi chương trình mới chưa được phê duyệt. Do đó, tới đây các hạng mục liên quan đến kiểm định chất lượng về tiêu chí cơ sở vật chất sẽ được điều chỉnh lại. Một loạt các văn bản liên quan như: tiêu chuẩn thiết kế xây dựng trường học các cấp; quy định về phòng học bộ môn; tiêu chuẩn thư viện; thiết kế mẫu nhà vệ sinh… cũng phải điều chỉnh theo Thông tư 13

“Theo thống kê của Bộ Xây dựng thì duy nhất hiện nay có Bộ GDĐT đã ban hành được bộ tiêu chuẩn cơ sở vật chất thống nhất trong toàn ngành. Đây là bước tiến tốt, giúp chúng ta có thể xây dựng các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu của tương lai”, Cục trưởng Phạm Hùng Anh nói và đề nghị các địa phương, nhà trường tiếp tục nỗ lực triển khai nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, đáp ứng các yêu cầu mới của Thông tư 13.

Từ những kết quả đạt được, cũng như một số tồn tại cần khắc phục, đại biểu tham dự hội nghị đã cùng bàn thảo và thống nhất một số giải pháp để giai đoạn tới tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó, tập trung tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm định viên; tổ chức bài bản hơn việc đánh giá ngoài; biến hoạt động tự đánh giá thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường, để từng cá nhân trong trường học cũng nỗ lực phấn đấu nâng cao hiệu quả nghiệp vụ chuyên môn.

Theo https://moet.gov.vn/