Hướng dẫn ghi phiếu đăng ký dự thi đại học cao đẳng năm 2014
Lượt xem:
Theo đó, yêu cầu đối với hồ sơ đăng ký dự thi là thí sinh phải ghi đầy đủ, rõ ràng, sạch sẽ vào các mục theo yêu cầu và không sửa chữa, tẩy xoá. Theo quy định, trong hồ sơ, nếu là số, ghi bằng chữ số Ả rập (0, 1, 2, 3,…), không ghi bằng chữ số La mã (I, II, III,…).
Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD-ĐT lưu ý năm 2014 có có điều chỉnh một số đối tượng ưu tiên, nên thí sinh phải tự xác định thuộc đối tượng nào rồi ghi vào hồ sơ đăng ký dự thi. Nếu thí sinh cố tình khai man sẽ bị xử lý.
Hướng dẫn cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi: Cần nộp giấy chứng nhận ưu tiên
Thí sinh thuộc diện ưu tiên phải nộp đủ giấy chứng nhận hợp pháp (bản sao) kèm theo phiếu đăng ký dự thi. Theo hướng dẫn, thí sinh có nguyện vọng dự thi vào trường nào thì mua một bộ hồ sơ ĐKDT gồm một túi đựng hồ sơ (đây chính là một phiếu ĐKDT) và phiếu số 1, số 2. Thí sinh phải ghi đầy đủ các mục ở mặt trước túi hồ sơ và phiếu số 1, số 2 theo hướng dẫn ghi ở mặt sau và trên trang thông tin điện tử của Bộ rồi nộp cho nơi nhận hồ sơ.
Nhớ nộp các giấy chứng nhận hợp pháp (bản sao) nếu là đối tượng ưu tiên (con liệt sĩ, con thương binh…) và 2 ảnh cỡ 4×6 kiểu chứng minh thư mới chụp trong vòng 6 tháng (có ghi rõ họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, tỉnh, huyện và mã số đơn vị ĐKDT vào mặt sau tấm ảnh, 2 ảnh này đựng trong một phong bì nhỏ).
Ngoài ra phải dán thêm 1 ảnh vào mặt trước túi đựng hồ sơ. Nơi thu hồ sơ giữ lại túi hồ sơ, phiếu số 1 và 2 ảnh, trả lại phiếu số 2 cho thí sinh sau khi đã ký và đóng dấu xác nhận. Thí sinh lưu giữ phiếu số 2 này để nhận giấy báo thi, giấy chứng nhận kết quả thi, báo điểm và trong trường hợp bị thất lạc giấy báo thi hoặc có những sai sót trước lúc thi, thí sinh đem phiếu này kèm theo giấy giới thiệu của nơi thu hồ sơ trực tiếp tới trường để làm thủ tục dự thi.
Những thí sinh đã dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu không trúng tuyển vào trường ĐKDT nhưng có kết quả thi đạt điều kiện tiêu chí bảo đảm chất lượng của bộ thì nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ngành cùng khối thi, đúng vùng tuyển của trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc tuyển chưa đủ chỉ tiêu (kể cả trường đã dự thi) và hệ CĐ của trường ĐH, hoặc trường CĐ thuộc các ĐH.
Căn cứ điều kiện xét tuyển cụ thể của từng trường (chỉ tiêu xét tuyển, mức điểm nhận hồ sơ,…), thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm một phong bì đã dán sẵn tem và ghi đầy đủ địa chỉ liên lạc của thí sinh (kể cả điện thoại nếu có) và giấy chứng nhận kết quả thi.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển gửi qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường. Các trường sử dụng kết quả thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT để xét tuyển là các trường ĐH, CĐ thi theo đề thi chung, các trường không tổ chức thi tuyển sinh và hệ CĐ của các trường ĐH, của trường CĐ thuộc ĐH.
Những thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung của bộ, nếu không trúng tuyển vào trường CĐ đã dự thi, có kết quả thi đạt tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào của bộ, không có môn nào bị điểm 0, được tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng khác còn chỉ tiêu, hoặc hệ CĐ của các trường ĐH hoặc trường CĐ thuộc các ĐH cùng khối thi và trong vùng tuyển qui định của trường.
Mẫu hồ sơ đăng ký dự thi và hướng dẫn cách ghi hồ sơ ĐKDT của Bộ GD-ĐT cụ thể như sau:
Hướng dẫn ghi phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) Đại học, cao đẳng năm 2014
Mục 1: Thí sinh không ghi mục này.
Mục 2: Ghi tên trường, tên ngành sẽ dự thi và có nguyện vọng học vào dòng kẻ chấm, ghi ký hiệu trường vào 3 ô đầu;
Hai ô tiếp theo ghi khối thi quy ước: ô thứ nhất ghi A, B, C hoặc D, ô thứ hai thí sinh dự thi khối A1 thì ghi số 1, thí sinh dự thi khối D: thi tiếng Anh thì ghi số 1, thi tiếng Nga ghi số 2, thi tiếng Pháp ghi số 3, thi tiếng Trung ghi số 4, thi tiếng Đức ghi số 5, thi tiếng Nhật ghi số 6;
Đối với các trường thi riêng thì ghi khối thi theo quy định riêng của trường;
Bảy ô tiếp theo ghi mã ngành dự định học, thí sinh ghi tên chuyên ngành đào tạo (nếu có) theo tên chuyên ngành đào tạo được đăng tải trên trang thông tin điện tử của trường;
Ô cuối cùng trong mục này, thí sinh đánh dấu “x” nếu dự thi vào trường tổ chức thi riêng.
Mục 3: Mục này chỉ dành cho thí sinh có nguyện vọng học tại trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH hoặc trường CĐ thuộc ĐH. Những thí sinh này không cần ghi mã ngành ở mục 2 (là mục ghi trường sẽ dự thi nhưng không có nguyện vọng học) nhưng tại mục 3 phải ghi đủ tên trường, tên ngành, ký hiệu trường, khối thi và mã ngành của trường mà thí sinh có nguyện vọng học.
Thí sinh ghi tên chuyên ngành đào tạo (nếu có) theo tên chuyên ngành đào tạo được đăng tải trên trang thông tin điện tử của trường có nguyện vọng học.
Mục 4: Thí sinh dự thi liên thông lên CĐ hoặc ĐH, sau khi ghi Mục 2 hoặc Mục 3 phải đánh dấu “x” vào ô bên phải của mục này.
Mục 5, 6, 7, 8: Ghi theo hướng dẫn trên phiếu ĐKDT.
Mục 9: Theo ký hiệu các đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh. Thí sinh tự xác định thuộc đối tượng nào rồi ghi, nếu khai man sẽ bị xử lý. Thí sinh thuộc diện ưu tiên phải nộp đủ giấy chứng nhận hợp pháp (bản sao) kèm theo phiếu ĐKDT.
Mục 10: Cần ghi đúng mã tỉnh và huyện nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú vào các ô tương ứng ở bên phải.
Mục 11: Ghi tên trường và địa chỉ của trường vào dòng kẻ chấm. Ghi mã tỉnh nơi trường đóng vào 2 ô đầu, ghi mã trường vào 3 ô tiếp theo (mã trường ghi theo quy định của Sở GD&ĐT, nếu mã trường có 1 chữ số thì 2 ô đầu tiên ghi số 0, nếu mã trường có 2 chữ số thì ô đầu tiên ghi số 0).
Mục 12: Trong 3 năm học THPT hoặc tương đương, học ở đâu lâu hơn hưởng ưu tiên khu vực ở đó. Nếu mỗi năm học một trường hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian học ở trường kia thì tốt nghiệp ở đâu hưởng ưu tiên khu vực tại đó.
Mục 13: Ghi như hướng dẫn trên phiếu ĐKDT.
Mục 14: Chỉ dành cho đối tượng thi liên thông lên CĐ hoặc ĐH. Mục này thí sinh cần ghi rõ tên trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng nghề (CĐN) hoặc cao đẳng (CĐ) và năm thí sinh đã tốt nghiệp.
Mục 15: Thí sinh cần ghi theo hướng dẫn của nơi thu nhận hồ sơ. Học sinh đang học lớp 12 THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ ĐKDT tại trường đó. Các đối tượng khác nộp hồ sơ ĐKDT tại các địa điểm do Sở GD&ĐT quy định.
Mục 16: Xem hướng dẫn ở mặt sau túi đựng hồ sơ.
Mục 17: Đối với chứng minh thư mẫu cũ, ghi 9 chữ số vào 9 ô cuối bên phải, ba ô đầu để trống; đối với chứng minh thư mẫu mới, ghi đủ 12 chữ số.
Mục 18: Thí sinh phải ghi rõ họ tên người nhận, địa chỉ chi tiết của người nhận: xóm (số nhà), thôn (đường phố, ngõ ngách), xã (phường), huyện (quận), tỉnh (thành phố) hoặc điện thoại (nếu có).
Theo: Tuoitre.vn