Hân hoan bước vào năm học mới

Lượt xem:

Đọc bài viết

Cùng với cả nước, sáng 5/9, trên 167.000 học sinh các bậc học trong toàn tỉnh Đắk Nông nô nức khai giảng, hân hoan bước vào năm học mới 2018-2019.

Các trường học đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo tỉnh về dự lễ khai giảng, đọc thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thầy cô giáo và học sinh trong cả nước.

Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng (Gia Nghĩa) trong ngày tựu trường. Ảnh Y K’rắk

Năm học 2018-2019 là năm học tiệm cận để thực hiện chương trình thay sách giáo khoa mới và cũng là năm học được đánh giá rất quan trọng, nước rút để thực hiện thành công các mục tiêu trong lĩnh vực giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI đề ra. Theo đó, năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 395 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên, với khoảng 167.655 học sinh, tăng trên 7.600 học sinh so với năm học 2017-2018. Toàn tỉnh có trên 11.123 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Số liệu học sinh toàn tỉnh năm học 2017-2018 và dự kiến năm học 2018-2019
Trên cơ sở nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT đề ra, ngành Giáo dục Đắk Nông tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới, gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp; đổi mới giáo dục mầm non, phổ thông và đẩy mạnh hướng nghiệp, định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh quyền tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới ở thị xã Gia Nghĩa

Nhằm bảo đảm thực hiện thành công nhiệm vụ năm học, ngành Giáo dục đã có sự chuẩn bị về mọi mặt. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp được tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị, tập huấn chuyên môn. Các trường học, nhất là bậc mầm non và tiểu học tổ chức các hoạt động thu hút trẻ đến trường, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số như đi vận động, chuẩn bị tiếng Việt…

Để hạn chế tình trạng thiếu giáo viên bậc mầm non, ngành Giáo dục được bổ sung 385 giáo viên hợp đồng. Các địa phương thực hiện các giải pháp như ưu tiên đào tạo biên chế nhân viên sang giáo viên, cán bộ quản lý trường học trực tiếp đứng lớp…

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị năm học mới tại các địa phương trong tỉnh

Bên cạnh đó, từ các nguồn huy động khác nhau, toàn tỉnh được đầu tư xây mới 286 phòng học, với tổng kinh phí trên 183 tỷ đồng; trong đó, 149 phòng được xây dựng theo Đề án kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2017-2020. Cùng với đó, ngành Giáo dục cũng đầu tư trên 19,66 tỷ đồng mua sắm các trang thiết bị. Cụ thể, trang thiết bị bổ sung cho các trường dân tộc nội trú: 0,54 tỷ đồng; thiết bị giáo dục quốc phòng: 0,45 tỷ đồng; trang thiết bị bổ sung cấp THPT: 0,72 tỷ đồng; trang bị phần mềm quản lý thư viện: 1,4 tỷ đồng; trang thiết bị cho trung tâm hòa nhập khuyết tật: 0,45 tỷ đồng; trang thiết bị bổ sung mua sắm cho các phòng GD-ĐT: 16,1 tỷ đồng. Các huyện, thị xã cũng huy động xã hội hóa để hoàn thiện các công trình phụ, tạo sân trường xanh, sạch, đẹp đón học sinh tựu trường.

Tiếng trống trường đã điểm, năm học mới 2018-2019 bắt đầu. Trong niềm hân hoan, phấn khởi, thầy và trò ở các trường học trên địa bàn tỉnh bước vào năm học mới với quyết tâm, khí thế mới, nỗ lực đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục.

* Bí thư Tỉnh ủy dự khai giảng tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh

Sáng 5/9, thầy và trò Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) vinh dự được đón đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về dự, chung vui và đánh trống khai giảng năm học mới.

Đúng 7h30′, hơn 700 học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh khai giảng năm học mới. Trong ảnh: Tiết mục văn nghệ của học sinh tại lễ khai giảng

Năm học 2017-2018, trường có 99% học sinh được xếp hạnh kiểm tốt và học lực loại khá, giỏi. Toàn trường đạt được 316 giải trong các cuộc thi các cấp; trong đó có 8 giải học sinh giỏi cấp quốc gia. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 100%; trong đó có 90,2% học sinh đậu đại học đợt 1.

Đồng chí Lê Diễn Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh trống khai giảng năm học mới

Năm học 2018-2019, trường có trên 700 học sinh các khối lớp, với 22 lớp chuyên và lĩnh vực chuyên. Phát huy những kết quả đạt được, trường tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục.

Đồng chí Lê Diễn, tặng hoa chúc mừng và mong muốn cán bộ, giáo viên, học sinh tiếp tục nỗ lực, xứng đáng là trường chuyên của tỉnh

Phát biểu tại lễ khai giảng, cùng với ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua, đồng chí Lê Diễn căn dặn, trong năm học 2018-2019, trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, giáo viên về các nhiệm vụ xuyên suốt của ngành Giáo dục đặt ra như đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Giáo viên cần năng động, sáng tạo hơn trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học. Cùng với tiếp tục  thực hiện đổi mới quản lý giáo dục với nhiều giải pháp tích cực, trường cần xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ, bảo đảm chất lượng giáo dục, từng bước tiệm cận khu vực và quốc tế. Trong các năm tiếp theo, trường cần nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh, tập trung đầu tư đào tạo mũi nhọn, phát hiện và kịp thời bồi dưỡng cho đội ngũ học sinh giỏi. Trường tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu về chất lượng giáo dục trong toàn tỉnh, thực sự trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT đọc thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước
Số liệu học sinh các cấp thị xã Gia Nghĩa năm học 2017-2018 và dự kiến năm học 2018-2019
Theo thống kê, năm học 2018-2019, thị xã Gia Nghĩa có 15.756 học sinh ở các bậc học, 39 trường học với 484 lớp; trong đó có 6 trường tư thục. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, thị xã đầu tư trên 13 tỷ đồng xây mới 18 phòng học và sửa chữa các phòng học xuống cấp.Năm học 2018-2019, thị xã tập trung quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, huy động các nguồn vốn xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, ưu tiên các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từng bậc học tập trung những nhiệm vụ phù hợp, hướng đến mục tiêu đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng chí Lê Diễn trao tặng 20 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó
Chi nhánh Agribank Đắk Nông tặng Quỹ Khuyến học nhà trường 10 triệu đồng
Chi nhánh Viettinbank thị xã Gia Nghĩa tặng Quỹ khuyến học nhà trường 5 triệu đồng
Thả bong bóng, với quyết tâm đạt nhiều thành tích trong năm học mới

* Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự khai giảng tại Trường Phổ thông DTNT Đắk R’lấp

Sáng 5/9, đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến dự khai giảng, chung vui cùng thầy và trò Trường Phổ thông DTNT THCS và THPT Đắk R’lấp (Đắk R’lấp).

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới ở Trường Phổ thông DTNT THCS và THPT Đắk R’lấp

Năm học vừa qua, với sự cố gắng của thầy và trò, trường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu khoa học của trường đạt nhiều giải cao của tỉnh và khu vực. Công tác bảo vệ sức khỏe, chăm sóc nuôi dưỡng học sinh đạt kết quả tốt.

Đồng chí Ngô Thanh Danh đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông DTNT THCS và THPT Đắk R’lấp

Bước vào năm học mới, với trên 200 học sinh, trường tiếp tục nỗ lực thực hiện thắng lợi các cuộc vận động và phong trào thi đua. Với đặc thù là có đông học sinh dân tộc thiểu số, trường chú trọng giúp các em hình thành các kỹ năng, phát huy tính tự lập và năng động trong sinh hoạt tập thể, đi đôi với nâng cao thành tích học tập.

Thực hiện nghi lễ chào cờ, khai giảng năm học mới

Phát biểu tại lễ khai giảng, đồng chí Ngô Thanh Danh căn dặn, trong năm học mới, trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến thực chất trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Cùng với xây dựng đội ngũ nhà giáo, trường chú trọng triển khai kịp thời các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc nội trú. Các thầy giáo, cô giáo tiếp tục rèn luyện, thực sự là những tấm gương sáng để học sinh noi theo. Các em học sinh cần xác định mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn, chăm chỉ rèn luyện, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt, để mai sau có thể đóng góp xứng đáng cho quê hương, đất nước.

Đồng chí Ngô Thanh Danh trao tặng 20 suất học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi

Đồng chí Ngô Thanh Danh đã đánh trống khai giảng năm học mới và trao tặng 20 suất học bổng cho các em học sinh vượt khó học giỏi của trường.

Số liệu học sinh các cấp huyện Đắk R’lấp năm học 2017-2018 và dự kiến năm học 2018-2019
Năm học 2018-2019, toàn huyện Đắk R’lấp có 52 trường học các cấp, với 626 lớp và khoảng 19.775  học sinh.Từ các nguồn vốn khác nhau, huyện đã đầu tư xây dựng được 10 nhà đa năng, 53 phòng học, phòng bộ môn cho các trường. Đối với bậc mầm non, số phòng học đã đáp ứng đủ nhu cầu học 2 buổi/ngày. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được chú trọng bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới.Để giải quyết việc thiếu 67 giáo viên ở các cấp học, huyện đã chỉ đạo các trường bố trí, sắp xếp lớp hợp lý, trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế và số giáo viên hiện có. Riêng đối với mầm non ưu tiên lớp 5 tuổi học 2 buổi/ngày, các lớp còn lại tùy thuộc vào số giáo viên còn lại để bố trí phù hợp.

* Trường DTNT Đắk Mil: Nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm yêu cầu đổi mới giáo dục

Đúng 7 giờ 30 phút sáng 5/9, hơn 200 học sinh và 30 giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (DTNT) THCS và THPT Đắk Mil (Đắk Mil) đã tề tựu đông đủ để tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2018-2019.

Đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương tham dự cùng với nhà trường.

Học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS và THPT Đắk Mil hân hoan đón đại biểu về tham dự lễ khai giảng

Năm học 2017-2018, Trường Phổ thông DTNT THCS và THPT Đắk Mil đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học. Đây là năm đầu tiên nhà trường có 100% tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT Quốc gia.

Học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS và THPT Đắk Mil biểu diễn văn nghệ chào mừng

Trong năm học 2018-2019, Trường tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục với mục tiêu phấn đấu có trên 45% học sinh đạt học lực khá, giỏi; tỷ lệ học sinh có học lực yếu dưới 5%; tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp các cấp đạt 100%.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn đánh trống khai giảng năm học

Phát biểu tại lễ khai giảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn biểu dương những kết quả mà nhà trường đã đạt được trong năm học vừa qua. Bước vào năm học mới 2018-2019, lãnh đạo nhà trường phải quyết tâm, phấn đấu hơn nữa để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra. Trường cần tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian tới. Nhà trường cần tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh về các nội dung, chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng như triển khai kịp thời các chế độ, chính sách dân tộc nội trú cho học sinh.

Đồng chí Nguyễn Bốn phát biểu tại lễ khai giảng

Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Bốn đã trao học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại trường.

Đồng chí Nguyễn Bốn trao học bổng cho 20 em học sinh có hoàn cảnh khăn tại nhà trường

* Tuy Đức nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số

Sáng 5/9, cùng với cả nước, cán bộ, giáo viên và các em học sinh trên địa bàn huyện Tuy Đức đã nô nức bước vào năm học mới 2018-2019.

Số liệu học sinh các cấp huyện Tuy Đức năm học 2017-2018 và dự kiến năm học 2018-2019
Năm học này, toàn huyện Tuy Đức có 746 cán bộ, giáo viên ở 37 trường học các cấp với 495 lớp, 14.512 học sinh, tăng 592 học sinh so với năm học 2017-2018. Trong đó, bậc mầm non 3.996 em (giảm 343 em), tiểu học 7.271 em (tăng 393 em), THCS 3.275 em (tăng 542 em).Để bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học 2018 – 2019, toàn huyện đã xây mới và đưa vào sử dụng 28 phòng học với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ đồng. Năm học 2018 – 2019, huyện phấn đấu xây dựng 2 trường đạt chuẩn Quốc gia, thực hiện bán trú cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại Trường tiểu học Lê Đình Chinh và Trường tiểu học A Ma Trang Lơng (Quảng Trực) và các mục tiêu trọng tâm khác.

Tại lễ khai giảng năm học mới 2018-2019, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) THCS và THPT Tuy Đức (xã Đắk Búk So, Tuy Đức) vinh dự có đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVTVTU, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo địa phương đến dự và chung vui

Chương trình văn nghệ chào mừng năm học mới

Năm học này, Trường Phổ thông DTNT THCS và THPT Tuy Đức có 25 cán bộ, giáo viên và 170 học sinh, với 6 lớp, tăng khoảng 30 học sinh so với năm học trước. Bước vào năm học mới, 100% học sinh tại trường được cấp phát đầy đủ dụng cụ học tập, bố trí chỗ lưu trú. Mục tiêu của trường trong năm học này là chú trọng nâng cao chất lượng học sinh; tăng tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tham gia các kỳ thi Olympic khối dân tộc nội trú, phấn đấu có học sinh giỏi cấp tỉnh.

Học sinh trường Dân tộc nội trú THCS – THPT Tuy Đức dự lễ khai giảng

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Điểu Xuân Hùng đã biểu dương những nỗ lực, thành tích mà thầy và trò của nhà trường đã đạt được trong năm học vừa qua. Đồng chí mong muốn trong năm học 2018-2019, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh của trường tiếp tục phát huy thành quả đạt được, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đồng chí Điểu Xuân Hùng trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó

Tại buổi lễ, Quỹ Khuyến học của tỉnh đã trao tặng 10 suất học bổng cho 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi, mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng.

* Trường DTNT huyện Krông Nô tưng bừng khai giảng năm học mới

Sáng 5/9, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Krông Nô (thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô), 187 học sinh và 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đã khai giảng năm học 2018 – 2019.

Đồng chí Trần Xuân Hải, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đến dự và chung vui cùng nhà trường.

Đồng chí Trần Xuân Hải, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đọc thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Trong năm học 2018 – 2019, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Krông Nô có 7 lớp với 187 học sinh. Năm nay, trường phấn đấu có 42% học sinh đạt tỷ lệ khá giỏi (5% học sinh giỏi và 37% học sinh khá) và 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT.

Đồng chí Trần Xuân Hải tặng 10 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các em học sinh

Tại Lễ khai giảng, đồng chí Trần Xuân Hải đã đọc thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi chúc mừng năm học mới tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và học sinh. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trần Xuân Hải mong nhà trường tiếp tục đổi mới, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Các em học sinh phát huy truyền thống hiếu học, vượt khó vươn lên trong năm học mới.

Năm học 2018 – 2019, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS – THPT huyện Krông Nô có 96,8% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Trần Xuân Hải đã tặng 10 suất học bổng (trị giá 1 triệu đồng/suất) của tỉnh cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của Trường.

Đại diện Sở Giáo dục – Đào tạo trao giấy khen tập thể lao động tiên tiến cho lãnh đạo nhà trường
Năm học 2018 – 2019, huyện Krông Nô có 18.272 học sinh. Lượng học sinh tăng đều ở cả 3 bậc: Mầm non, tiểu học và THCS. Năm học này, huyện Krông Nô có 1.048 giáo viên (trong đó có 240 giáo viên mầm non, 462 giáo viên tiểu học và 293 giáo viên THCS). Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện đã xây mới 41 phòng học (với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng) và sửa chữa 1 bếp ăn cùng 20 phòng học (tổng giá trị trên 2,8 tỷ đồng).
Số liệu học sinh các cấp huyện Krông Nô năm học 2017-2018 và dự kiến năm học 2018-2019

* Trường THPT Phan Chu Trinh, thị trấn Ea T’ling coi trọng phát triển năng lực học sinh

Sáng 5/9, thầy và trò Trường THPT Phan Chu Trinh, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) rộn ràng bước vào năm học mới 2018-2019, với niềm vui khi được đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự và chung vui.

Gần 1.000 em học sinh và 68 giáo viên Trường THPT Phan Chu Trinh (Cư Jút) tưng bừng khai giảng năm học mới

Năm học này, Trường THPT Phan Chu Trinh có gần 1.000 học sinh và 68 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Những năm qua, trường đã tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Hàng năm, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT luôn đạt trên 98%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi trên 99%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đánh trống khai giảng năm học mới

Để nâng cao chất lượng giáo dục, xứng đáng là trường đạt chuẩn quốc gia, trong năm học 2018-2019 và những năm tiếp theo, Trường THPT Phan Chu Trinh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục, theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của học sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh tặng hoa, chúc mừng thầy và trò Trường THPT Phan Chu Trinh

Hòa trong niềm hân hoan, phấn khởi của năm học mới, em Trần Thị Hiếu Thảo, lớp 10 A cho biết: “Em rất vui và hạnh phúc khi được vào học trong ngôi trường có bề dày thành tích về giáo dục, nên sẽ cố gắng học thật tốt, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của trường”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh tặng 10 suất học bổng cho các em học sinh có thành tích xuất sắc
Lãnh đạo huyện Cư Jút trao học bổng của Quỹ Bảo trợ TP.Hồ Chí Minh cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Chi nhánh VNPT Cư Jút tặng học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn

* Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương gửi quà tặng Trường THCS Nguyễn Tất Thành

Sáng 5/9, tại lễ khai giảng năm học mới, thầy và trò Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Gia Nghĩa) đã vinh dự được đồng chí Điểu K’Ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương gửi lời chúc mừng và gửi tặng bộ trống Đội.

Diễu hành đón học sinh mới tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành

Trong niềm vui bước vào năm học mới, trường xác định sẽ tiếp tục đổi mới, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục. Cùng với việc trang bị kiến thức, trường sẽ chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất, tạo điều kiện tốt để các em rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.

Bộ trống phục vụ công tác đội do đồng chí Điểu K’Ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương gửi tặng đã chuyển đến Trường THCS Nguyễn Tất Thành trong ngày khai giảng năm học mới.

* Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Nâm N’jang chú trọng giúp học sinh phát triển toàn diện

Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) bước vào năm học mới 2018-2019 với 621 học sinh (tăng 89 em so với năm học trước), 5 lớp học và 34 cán bộ, giáo viên.

Việc lắp đặt tivi phục vụ giảng dạy góp phần tạo hứng thú cho học sinh trong học tập

Theo Hiệu trưởng Lê Văn Ngọc, để chuẩn bị cho năm học mới, trường đã sửa chữa và lắp đặt mới 18 camera, 14 ti vi và một số bàn ghế phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và quản lý học sinh. Đây đều là nguồn xã hội hóa do cha mẹ học sinh đóng góp để cùng nhà trường tạo môi trường học tập tốt cho các em. Trường phấn đấu năm học này sẽ có trên 50% học sinh đạt loại khá, giỏi.

Camera được lắp đặt tại các lớp học, khuôn viên nhằm giúp trường quản lý tốt hơn việc dạy và học
Năm học mới 2018-2019, toàn huyện Đắk Song có 19.796 học sinh (tăng 2.028 em so với năm học 2017-2018), trong đó mầm non là 5.000 em (tăng 1.382 em), tiểu học 9.154 em (tăng 222 em) và THCS 5.642 em (tăng 424 em). Chuẩn bị cho năm học mới, toàn huyện xây mới 26 phòng học, 1 thư viện, 2 nhà hiệu bộ, 2 nhà đa năng; cải tạo, sửa chữa 41 phòng học và mua sắm trang thiết bị…với tổng số tiền 22,2 tỷ đồng. Tổng số biên chế giáo viên trong năm học mới là 861 người, trong đó mầm non 168 giáo viên, tiểu học 426 giáo viên và THCS 267 giáo viên. So với nhu cầu, huyện Đắk Song còn thiếu 86 giáo viên, trong đó mầm non 50 người, tiểu học 16 người và THCS 11 người.
Số liệu học sinh các cấp huyện Đắk Song năm học 2017-2018 và dự kiến năm học 2018-2019

* Trường Dân tộc nội trú THCS & THPT Đắk Song: Chăm lo tốt nhất cho học sinh ngay từ đầu năm học

Trường Dân tộc nội trú THCS & THPT (Trường Dân tộc nội trú) Đắk Song bắt đầu công tác chuẩn bị học tập cho học sinh ngay từ đầu tháng 8/2018. Trường chủ động cấp phát tất cả các chế độ hỗ trợ cho học sinh đầy đủ, kịp thời để các em sẵn sàng một năm học chu toàn.

Gạo được đưa về đầy đủ số lượng để phục vụ các bữa ăn nội trú cho học sinh

Thầy giáo Hồ Bu, Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú Đắk Song cho biết: “Năm học 2018- 2019, nhà trường có 202 học sinh và 34 giáo viên. Từ đầu tháng 8, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ mọi mặt như: Cấp các trang thiết bị sinh hoạt cho các em gồm chăn, mùng, dụng cụ sinh hoạt cá nhân trong phòng ở. Để các em bước vào học tập ngay sau ngày khai giảng 5/9, chúng tôi đã cấp phát đầy đủ sách giáo khoa, vở viết, bút viết cho các em theo đúng quy định của nhà nước”.

Nhà bếp sạch sẽ, gọn gàng, bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh

Em Hoàng Như Quỳnh, lớp 6, Trường Dân tộc nội trú Đắk Song tâm sự: “Lúc đầu mới lên đây, em rất bỡ ngỡ. Nhưng qua hai tuần học tập, làm quen, được các thầy cô giáo quan tâm, anh chị lớp lớn hướng dẫn nên em quen dần, giờ hết thấy lạ rồi. Chúng em cũng rất vui vì nhà trường quan tâm, chăm lo đầy đủ điều kiện ăn ở, học tập cho học sinh” .

Học sinh lớp 6 Trường Dân tộc nội trú Đắk Song chuẩn bị đồng phục cho lễ khai giảng năm học mới

Để cụ thể hóa chủ đề: “Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học và cải cách hành chính toàn ngành”, năm học 2018-2019, Trường Dân tộc nội trú Đắk Song đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo; Tăng cường đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tính tích cực của học sinh, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; Đổi mới công tác quản lý theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thực hiện tốt  “3 công khai,4 kiểm tra” trong nhà trường; Bảo đảm đầy đủ các chế độ cho học sinh dân tộc theo quy định và thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm…

* Khai giảng ở ngôi trường có trên 95% học sinh nghèo

Trường tiểu học Vừ A Dính ở bản Tân Lập, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) thuộc vùng sâu, vùng xa và trong diện khó khăn nhất tỉnh Đắk Nông.

Các em học sinh và giáo viên phải vượt hơn 7km đường rừng để đến điểm trường chính dự lễ khai giảng

Trường được thành lập chưa đầy 1 năm, các trang thiết bị giảng dạy, học tập vẫn còn thiếu thốn. Phần lớn học sinh của trường đều là người dân tộc thiểu số; trong đó trên 95% thuộc diện hộ nghèo, gia đình phải lo từng bữa ăn.

Để đến trường, các em phải băng qua những đoạn đường đèo dốc

Vượt qua những khó khăn, sáng 5/9, cán bộ, giáo viên và các em học sinh nơi đây đã bước vào năm học mới 2018-2019 và để lại nhiều xúc động.

“Ngày nào cũng vậy, khi em còn chưa ngủ dậy thì bố mẹ đã phải đi làm thuê để kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Sáng nay, khoảng 5 giờ sáng, các cô giáo đã đến nhà giúp em vệ sinh sạch sẽ và đưa tới trường dự khai giảng”. Đó là tâm sự của Hầu Thị Mai trong ngày khai giảng năm học mới.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực vận động nhưng chỉ có khoảng một nửa số học sinh dự lễ khai giảng

Ở đây, nhiều bậc cha mẹ học sinh còn có suy nghĩ, nếu hàng ngày đưa đón các em đi học, tức là sẽ mất một lao động nên họ chấp nhận mang con đi cùng vào nương rẫy. Vì vậy, những ngày đầu năm học, giáo viên thường tranh thủ đến lớp sớm để nắm bắt sĩ số, nếu thấy em nào vắng mặt thì lập tức liên hệ với trưởng bản và cha mẹ để nắm bắt lý do.

Vượt qua khó khăn, các em học sinh quyết tâm học tập, đạt nhiều thành tích trong năm học mới. Trong ảnh: Lễ khai giảng vẫn đầy đủ các nghi thức cần thiết

Một số giáo viên còn phải vào tận nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, rồi mới vận động được các em đến trường. Một số giáo viên còn phải về tận bản để sáng mai thay mặt bố mẹ đưa các em đi dự lễ khai giảng năm học mới.

Năm học 2017-2018, Trường tiểu học Vừ A Dính đã gặt hái nhiều thành công, được các cấp ngành khen thưởng

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng sáng nay cũng chỉ có khoảng 300 học sinh trên tổng số 606 học sinh của trường đến dự lễ khai giảng năm học mới 2018-2019. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, trong năm học vừa qua, học sinh đã cố gắng vượt khó vươn lên học tốt, với tỷ lệ đạt loại khá, giỏi đạt trên 40%. Trong những ngày sắp tới, cán bộ, giáo viên nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương và gia đình để động viên các em tới trường đầy đủ.

* Trường THCS Phạm Hồng Thái, xã Ea Pô có 66,1% là học sinh dân tộc thiểu số phía Bắc

Hòa cùng không khí nô nức ngày tựu trường, sáng 5/9, Trường THCS Phạm Hồng Thái, xã Ea Pô (Cư Jút) tổ chức khai giảng năm học mới 2018-2019.

Các em học sinh đến trường từ sáng sớm để dự Lễ khai giảng

Năm học này, trường đón nhận 175 học sinh mới vào lớp 6, nâng tổng số học sinh lên 590 em, với 66,1% là học sinh các dân tộc thiểu số Tày, Thái, Mường, Nùng. Hiện nay, trường có 21 phòng học, với 51 cán bộ, giáo viên.

590 học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái, xã Ea Pô (Cư Jút) hân hoan bước vào năm học mới

Do đặc thù là xã vùng sâu, vùng xa, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh đã cố gắng khắc phục khó khăn, tích cực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học. Kết quả, tỷ lệ học sinh giỏi đạt 12,7%; học sinh khá đạt 33%.

66,1% học sinh là dân tộc thiểu số phía Bắc

Bước vào năm học mới, với niềm vui chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn Quốc gia lần 2, trường tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, xứng đáng với sự tin cậy của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã gửi gắm con em theo học tại trường.

Hiệu trưởng Nguyễn Huy Nam đánh trống khai giảng năm học mới
Đại diện Chi nhánh Viettel Đắk Nông trao quà cho các em học sinh vượt khó học giỏi
Năm học 2018-2019, huyện Cư Jút có 19.896 học sinh, tăng 99 học sinh so với năm học 2017-2018 và 1.049 giáo viên. Huyện còn thiếu 33 giáo viên bậc mầm non. Để khắc phục tình trạng này, sắp tới, huyện sẽ sắp xếp lại đội ngũ giáo viên cho cân đối, đồng thời, sử dụng đội ngũ nhân viên đã đào tạo lại để bố trí dạy mầm non.Chuẩn bị cho năm học mới, huyện đã đầu tư 21,9 tỷ đồng xây mới 19 phòng học, sửa chữa 53 phòng học cũ và 2 nhà hiệu bộ, mua sắm bàn ghế, trang thiết bị. Các trường học trên địa bàn huyện đã cấp phát sách giáo khoa, vở viết cho học sinh dân tộc thiểu số. Huyện tiếp tục phấn đấu nâng cao tỷ lệ giáo viên, học sinh giỏi, giảm thiểu tỉ lệ học sinh bỏ học; tập trung rà soát, hoàn thiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy học.
Số liệu học sinh các cấp huyện Cư Jút năm học 2017-2018 và dự kiến năm học 2018-2019

* Trường THCS Nguyễn Huệ, xã Thuận An nỗ lực thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua

Năm học mới 2018-2019, Trường THCS Nguyễn Huệ, ở xã Thuận An (Đắk Mil) có 655 học sinh, với 17 lớp, tăng khoảng 50 học sinh so với năm học trước. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của nhà trường có 43 người, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học; trong đó, 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và hơn 80% giáo viên có trình độ trên chuẩn.

Tiết học đầu năm học mới ở Trường THCS Nguyễn Huệ, xã Thuận An  (Đắk Mil)

Năm học mới, trường tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giảng dạy, nỗ lực thực hiện thắng lợi các cuộc vận động và phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Hai không”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Trường THCS Nguyễn Huệ, xã Thuận An (Đắk Mil) đã sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất để phục vụ năm học 2018-2019. Trong ảnh: Khu nhà đa năng phục vụ nhu cầu học thể dục, vui chơi cho học sinh với mức đầu hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó có 10% xã hội hóa được đưa vào sử dụng từ đầu năm học mới

Theo Hiệu trưởng Lữ Thị Sen, để chuẩn bị cho năm học mới, cùng với việc sửa chữa, cải tạo các phòng học, trường đã đưa vào sử dụng khu nhà đa năng phục vụ nhu cầu học thể dục, vui chơi cho học sinh. Khu nhà được xây dựng với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó, 10% là vốn xã hội hóa. Ngoài ra, trong năm học mới 2018-2019, trường sẽ tiếp tục thực hiện tự chủ về các hoạt động giáo dục theo đúng quy định của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giáo dục, từng bước nâng cao điều kiện, chất lượng các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Theo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk Mil, năm học 2018-2019, toàn huyện có 57 trường học các cấp gồm mầm non, tiểu học và THCS với 24.958 học sinh, tăng 885 học sinh so với năm học trước. Trong đó, bậc mầm non: 5.992 học sinh (tăng 232 em), tiểu học: 11.455 học sinh (tăng 363 em), THCS: 7.511 học sinh (tăng 290 em).Toàn huyện có 1.115 giáo viên; trong đó, mầm non: 144 người, tiểu học: 535 người và THCS: 436 người. So với nhu cầu, huyện Đắk Mil còn thiếu khoảng 122 giáo viên, chủ yếu là ở bậc mầm non và tiểu học. Để đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học trong năm học mới, huyện đã đầu tư hơn 22,5 tỷ đồng để xây mới 21 phòng học, 2 nhà chức năng và 4 nhà đa năng; sửa chữa, cải tạo 50 phòng học. Ngoài ra, huyện cũng thành lập mới 3 trường học ngoài công lập với tổng mức đầu tư 33,5 tỷ đồng.
Số liệu học sinh các cấp huyện Đắk Mil năm học 2017-2018 và dự kiến năm học 2018-2019

Trường tiểu học Kim Đồng, xã Quảng Khê đón 316 học sinh vào lớp 1

Sáng 5/9, hơn 1.200 học sinh và 58 cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường tiểu học Kim Đồng, xã Quảng Khê (Đắk Glong) hân hoan dự khai giảng năm học mới 2018-2019.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ngày càng quan tâm đến việc học của con cháu. Trong ảnh: Bà H’Bin, dân tộc Mạ ở xã Quảng Khê dắt cháu dự lễ khai giảng tại Trường tiểu học Kim Đồng

Theo Hiệu trưởng Phạm Thị Bích Huệ, bước vào năm học mới, trường đón 316 học sinh vào lớp 1, tăng 26 em so với năm học trước. Do đặc thù của địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nên trước lễ khai giảng, các giáo viên đã vào tận thôn, bon để tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em ra lớp để sắp xếp, ổn định chỗ ngồi. Trường cũng đã cấp phát đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn là người dân tộc thiểu số.

Giáo viên đón các em học sinh vào lớp 1
Số liệu học sinh các cấp huyện Đắk Glong năm học 2017-2018 và dự kiến năm học 2018-2019
Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong, để chuẩn bị cho năm học mới, từ nguồn vốn của tỉnh hơn 74 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây mới 84 phòng học, nâng tổng số phòng học toàn huyện lên 604 phòng. Ngoài ra, huyện cũng đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình phụ trợ và mua sắm các thiết bị dạy học để cấp phát cho các trường trên địa bàn. Đội ngũ giáo viên được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ. Tuy nhiên, bước vào năm học mới, huyện còn thiếu 237 giáo viên ở 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS. Năm học mới huyện có hơn 18.000 học sinh từ bậc mầm non đến THPT.
Trao 200 mũ bảo hiểm do Công ty Hon đa Việt Nam tài trợ cho các em học sinh Trường tiểu học Kim Đồng

* Trường mầm non Hoa Phượng Vàng, lá cờ đầu bậc học mầm non của thị xã Gia Nghĩa

Năm học 2017-2018, Trường mầm non Hoa Phượng Vàng, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) đạt thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ và được bình chọn là lá cờ đầu bậc học mầm non của thị xã Gia Nghĩa.

Các bậc cha mẹ đưa trẻ đến trường dự khai giảng

Sáng 5/9, đông đảo các bậc cha mẹ đã đưa trẻ đến trường dự lễ khai giảng năm học mới. Năm học này, nhà trường có 19 nhóm lớp với 685 trẻ. Phát huy kết quả đạt được, trường tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, thực hiện tốt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Đông đảo cha mẹ và trẻ em dự lễ khai giảng năm học mới

Hưởng ứng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ giáo viên gương mẫu, xây dựng hình ảnh, là tấm gương sáng của trẻ thơ. Nhà trường xây dựng tập thể đoàn kết, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo chủ động của trẻ.

Theo http://baodaknong.org.vn