Đắk Glong nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Lượt xem:

Đọc bài viết

      Đắk Glong nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Theo thống kê, năm học 2013- 2014, toàn huyện Ðắk Glong có 30 trường học từ mầm non đến THCS, với gần 12.000 học sinh; trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 74%. Bằng việc chú trọng triển khai Ðề án “Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số”, các trường học trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. 

Với đặc điểm có trên 90% học sinh là dân tộc thiểu số, chủ yếu dân tộc Mông nên những năm qua, cùng với việc tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu, kém, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản ở xã Ðắk Ha đã tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh ở các khối lớp 1 và 2.

 Picture1
Để nâng cao chất lượng giáo dục, Trường Tiểu học Vừ A Dính luôn chú trọng việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh

 

Ðối với những lớp có đông học sinh dân tộc thiểu số, nhà trường ưu tiên phân công giáo viên là người dân tộc thiểu số phụ trách và giảng dạy, giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp, tiếp thu bài học. Nhà trường còn chú trọng đến việc vận động, quyên góp quần áo, bút, mực giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn để có thể theo học đều đặn.

Ngoài ra, để đảm bảo nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, địa phương cũng đã đầu tư xây mới, nâng cấp các phòng học, đảm bảo cho việc dạy học 2 buổi/ngày.

Trường Tiểu học Vừ A Dính ở xã Ðắk Som hiện cũng có 98% học sinh dân tộc thiểu số. Cùng với việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để tăng cường tiếng Việt thì với sự hỗ trợ của chương trình Seqap, nhà trường đã tổ chức ăn bán trú cho trên 200 em có điều kiện gia đình khó khăn, ở xa trường, góp phần giảm thiểu số học sinh bỏ học giữa chừng.

Theo thầy giáo Vũ Tiến Tiệp, Hiệu trưởng nhà trường thì do chủ yếu là học sinh dân tộc Mông, hầu hết không được học mẫu giáo nên khi bước vào lớp một thì năm nào cũng có khoảng trên 50% học sinh là không biết tiếng phổ thông. Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục, việc tăng cường tiếng Việt cho các em đóng vai trò rất quan trọng.

Cùng với việc tăng cường tiếng Việt vào các tiết học bình thường thì nhà trường còn tổ chức phụ đạo tiếng Việt cho học sinh yếu ở các khối lớp vào ngày thứ 7 hàng tuần. Qua một thời gian triển khai, tỷ lệ học sinh yếu kém đã giảm rõ rệt, nhiều em từ chỗ không biết, không hiểu thì hiện đã nói và viết tiếng Việt thành thạo. Các hoạt động ngoại khóa, các trò chơi dân gian cũng được thường xuyên tổ chức để giúp các em rèn luyện sự tự tin, mạnh dạn và tích cực trong các hoạt động cũng như trong học tập.

Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục- Ðào tạo huyện Ðắk Glong thì ngoài số lượng học sinh dân tộc thiểu số tại chỗ, hàng năm các trường học trên địa bàn huyện còn tiếp nhận một số lượng lớn học sinh dân tộc Mông, hầu hết khi nhập học đều không biết tiếng phổ thông.

Ðể giải quyết vấn đề này cũng như chuẩn bị tâm lí vào lớp 1, huyện đã hướng dẫn các đơn vị trường học thực hiện tăng tiết học vào các ngày thứ 7 và chủ nhật để tăng cường tiếng Việt cho các em. Vào đầu năm học, các trường đều tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh để phân loại và có những hình thức tổ chức phụ đạo cũng như tăng cường tiếng Việt một cách phù hợp. Vì vậy, tỷ lệ học sinh yếu, kém, nhất là ở cấp tiểu học do học yếu tiếng Việt ngày càng giảm.

Tỷ lệ học sinh chuyển cấp ở bậc tiểu học và THCS luôn đạt 100%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt trên 93%. Hầu hết các cuộc thi tiếng Việt của chúng em cấp tỉnh hàng năm, địa phương luôn đạt giải cao. Cùng với việc tăng cường thêm mỗi tuần 4 tiết tiếng Việt thì địa phương cũng đang huy động các nguồn vốn khác nhau nhằm tăng cường cơ sở vật chất, nâng số trường, số lớp thực hiện dạy học 2 buổi/ngày và mở rộng mô hình ăn bán trú, giúp học sinh giảm bớt khó khăn, yên tâm đến trường.

Theo baodaknong.org.vn