ĐA DẠNG HÓA VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH KHUYẾN HỌC

Lượt xem:

Đọc bài viết

 “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên.

( Trích Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba, Thân Nhân Trung)

Dân tộc ta đã trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, chúng ta không thể không nói đến vai trò của giáo dục đối với sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà, Người đã từng nói: “ Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Những câu nói bất hủ và đầy ý nghĩa về vai trò của giáo dục đối với công cuộc xây dựng đất nước của Người vẫn còn nguyên giá trị và mang tầm chiến lược: “Vì lợi ích  mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”; “…Nọn song Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu chính là nhờ phần lớn vào công học tập của các cháu…”…

Đăk Nông là một tỉnh mới thành lập, như một đứa con sinh sau đẻ muộn trên mãnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Chúng ta biết rằng: “Con người cũng như vạn vật cũng cần phải được chăm sóc, quan tâm thì mới tồn tại và phát triển được”. Nhìn lại chặng đường 10 năm thành lập, xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, ta thật tự hào khi thấy Đăk Nông đang chuyển mình và ngày càng thay da đổi thịt. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước  và sự nỗ lực của toàn dân, Đăk Nông đã, đang và sẽ trở thành miền đất hứa chào đón những người con từ mọi miền đất nước hội tụ về đây để cùng học tập, lao động và chung sống. Bên cạnh những hoạt động của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội thì giáo dục được xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Hội Khuyến học Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Association for Promoting Education, viết tắt là VAPE) là tổ chức xã hội với mục đích “nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nguồn nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế“.

Từ xưa tới nay, nói tới khuyến học người ta chỉ nghỉ đến việc khuyến khích người học, còn khuyến khích người dạy thì gần như rất ít. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học cũng như thúc đẩy sự gắn bó với nghề của người dạy. Theo nhiều cuộc điều tra gần đây, khi hỏi về việc lựa chọn nghề giáo trong các trường THPT có khá nhiểu người trong cuộc trả lời rằng nếu có cơ hội thì họ sẵn sang đổi nghề, thậm chí có ý kiến còn cho rằng chọn nhầm nghề, hoặc sai lầm khi chọn nghề giáo.

Xuất phát từ những lí do trên, tôi manh dạn đề xuất một số cách làm hay để phát triển tổ chức Hội khuyến học cũng như sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.

  • Xây dựng hội khuyến học từ cấp thôn, bon, xã trở lên.
  • Các cơ sở giáo dục phối hợp với những nhà hảo tâm, những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thành đạt trên địa bàn để gây quỹ khuyến học cho trong nhà trường.
  • Động viên kịp thời những học sinh có học lực khá trở lên, đặc biệt là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có ý chí vươn lên trong học tập.
  • Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy học của nhà trường.
  • Tạo sân chơi lành mạnh, thân thiện, phù hợp với tâm lý lứa tuổi để học sinh xem trường học thực sự là ngôi nhà thứ hai của mình.
  • Nhà trường phải động viên và trao tặng kịp thời đối với những thành tích của giáo viên được khen thưởng từ cấp cơ sở trở lên nhằm tạo không khí thi đua trong nhà trường và tính trang trọng, để học sinh học tập noi theo.
  • Thành lập Hội khuyến học giáo viên để giúp đỡ, động viện những học sinh vượt nghèo học giỏi.
  • Tổ chức tọa đàm, hội thảo cho học sinh, giáo viên và phụ huynh về vai trò và ý nghĩa của việc học trong điều kiện hội nhập hiện nay của con em mình.
  • Các trường THPT nên treo những câu danh ngôn hay về giáo dục, treo hình ảnh các nhà khoa học, các nhân vật lịch sử nổi tiếng của thế giới và dân tộc trong phòng học và khuôn viên nhà trường.

Thiết nghĩ, nếu áp dụng và thực hiện được những cách làm trên, chúng ta có thể thay đổi được ý thức, nhận thức và thái độ học tập của học sinh. Từ đó sẽ dần dần nâng cao chất lượng giáo dục.

                                                Đăk Glong, ngày 19 tháng 5 năm 2015

                                                                   Người viết

                                                                   Trần Vĩnh Yên