3 thay đổi lớn trong quy chế tuyển sinh năm 2014
Lượt xem:
Không còn điểm sàn.
“Thay vì điểm sàn – vốn là tiêu chí đơn nhất để quyết định đầu vào, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay sẽ lựa chọn các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường. Phương án thay thế này vừa đảm bảo linh hoạt hơn chất lượng đầu vào và đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu phân luồng đối với các loại hình đào tạo”, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT Trần Văn Nghĩa cho biết. Theo đó, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đang trình lãnh đạo Bộ GD&ĐT các phương án thay thế, sau đó lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia để sớm đưa ra phương án cụ thể cho các thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay.
3 thay đổi lớn trong quy chế tuyển sinh năm 2014
Với thay đổi này, Bộ đã chính thức đưa vào Thông tư sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2014. Ban Thư ký Hội đồng tuyển sinh của trường căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh, thống kê điểm, quy định về khung điểm ưu tiên, các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để quyết định phương án điểm trúng tuyển. Bộ sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường ĐH,CĐ xét tuyển cho từng khối, ngành đào tạo dựa vào căn cứ kết quả thi. Cũng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, nhà trường sẽ phải in 3 giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ cho thí sinh. Giấy chứng nhận kết quả thi chỉ cấp 1 lần và đóng dấu đỏ của trường. Trường hợp người dự thi để mất thì không cấp lại mà chỉ cấp giấy xác nhận điểm thi.
Thêm cơ hội trúng tuyển
Một điểm mới khác trong quy chế tuyển sinh năm nay của Bộ GD&ĐT là mỗi trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được tuyển sinh tối đa 2 lần/năm. Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, thời gian tuyển sinh sẽ do Bộ GD&ĐT quy định cụ thể. Như vậy, các thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển khi được tham gia các đợt tuyển sinh lần 2 với những trường có nhu cầu tuyển sinh, thay vì chỉ được xét tuyển một lần duy nhất trong năm như hiện hành.
Cũng theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, các trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh phải đảm bảo tuân thủ: Xây dựng Đề án tự chủ tuyển sinh có nội dung quy định và đáp ứng các yêu cầu do Bộ GD&ĐT quy định; Lựa chọn, quyết định phương thức tuyển sinh. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi (nếu có), xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển, giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đếntuyển sinh.
“Trách nhiệm của các trường tổ chức tuyển sinh riêng là không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi; Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch”, ông Nghĩa nhấn mạnh. Muốn vậy, theo ông Nghĩa, các trường ĐH, CĐ phải phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo kỳ thi (nếu có) diễn ra an toàn, nghiêm túc. Công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.
Bộ GD&ĐT cho biết, hiện tại đã có 64 trường ĐH, CĐ gửi đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ. Ngay khi ban hành Thông tư sửa đổi quy chế tuyển sinh, Bộ sẽ công bố các đề án phù hợp với quy chế để các trường triển khai thực hiện.
“Với quy định mới này, kết quả thi của thí sinh vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Tuy nhiên, các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định”.Ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT
|